Hỗ trợ chuyển đổi số cho 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, hơn 9.000 chợ truyền thống

Năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các Bộ thực hiện thúc đẩy phát triển kinh tế số trong các ngành lĩnh vực trọng tâm như thương mại bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, du lịch và logistics.

Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2024, tỷ trọng kinh tế số ước tính đóng góp 18,3% GDP, tăng trưởng 20% so với năm 2023. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 20,5%. Tổng doanh thu lĩnh vực kinh tế số nền tảng đạt 52 tỷ USD, tăng 30% so với ước thực hiện năm 2024.

Trong năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục triển khai Chương trình hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025 theo Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 20/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ trong 5 nhóm ngành lĩnh vực trọng tâm là: thương mại bán buôn, bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, du lịch và logistics. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các Bộ, ban, ngành xây dựng Chương trình hành động thúc đẩy phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm.

Thanh toán trực tuyến tại chợ Đại Từ, Thái Nguyên.

Thanh toán trực tuyến tại chợ Đại Từ, Thái Nguyên.

Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công thương thực hiện Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ chuyển đổi số. Việt Nam hiện có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần. Các cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống này đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Khoảng 88% số lượng mặt hàng tiêu dùng nhanh vẫn được phân phối tới khách hàng qua kênh này.

Chương trình nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, đưa hoạt động của các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống lên môi trường điện tử, từ khâu nhập hàng, quản lý kho hàng và kinh doanh trên môi trường mạng.

Mục tiêu đến hết năm 2025, triển khai Chương trình hỗ trợ cho tối thiểu 50% cửa hàng tạp hóa, bán lẻ tại 10 địa phương trên toàn quốc.
Chương trình thứ 2 phối hợp với Bộ Công thương là Chương trình hỗ trợ các khu công nghiệp, nhà máy chuyển đổi số, phát triển các nhà máy thông minh. Hiện nay Việt Nam có hơn 14.000 nhà máy sản xuất công nghiệp. Phát triển kinh tế số trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo theo hướng ứng dụng nền tảng số công nghệ tiên tiến, hiện đại để thực hiện chuyển đổi các nhà máy trở thành các nhà máy thông minh, phù hợp với xu hướng phát triển xanh trên thế giới.

Mục tiêu đến hết năm 2025, triển khai Chương trình hỗ trợ cho tối thiểu 10% nhà máy trên toàn quốc.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện Chương trình hỗ trợ các cơ sở du lịch chuyển đổi số, phát triển các cơ sở du lịch thông minh. Hiện nay trên toàn quốc có khoảng 38.000 cơ sở lưu trú; có khoảng 5.000 khu vui chơi lớn nhỏ. Phát triển kinh tế số du lịch theo hướng ứng dụng công nghệ nhằm tối ưu hóa hoạt động quản trị, vận hành, khai thác, kinh doanh của các cơ sở lưu trú, các danh lam thắng cảnh, các khu du lịch, khu vui chơi, giải trí, các khu bảo tồn di sản văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Mục tiêu đến hết năm 2025, triển khai Chương trình hỗ trợ cho tối thiểu 50% cơ sở du lịch trên toàn quốc.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Chương trình hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông nghiệp chuyển đổi số. Việt Nam có khoảng hơn 20.000 trang trại, bao gồm các trang trại trồng trọt, trang trại chăn nuôi và trang trại nuôi trồng thủy, hải sản. Chương trình nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nông nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Mục tiêu đến hết năm 2025, triển khai Chương trình hỗ trợ cho tối thiểu 30% cơ sở trồng trọt, chăn nuôi trên toàn quốc.

Tú Ân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ho-tro-chuyen-doi-so-cho-14-trieu-cua-hang-tap-hoa-hon-9000-cho-truyen-thong-d238013.html