Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho nông dân khi Nhà nước thu hồi đất
Tiếp tục diễn đàn góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Báo Thanh Hóa ghi nhận nhiều ý kiến góp ý tâm huyết của cán bộ, Nhân dân trong tỉnh, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Ông Nguyễn Anh Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn: Cần phải quy định cụ thể chi phí hỗ trợ học tập, thích ứng chuyển đổi nghề khi thu hồi đất nông nghiệp của nông dân
Tại Điều 83, Chương VI về Thu hồi đất, trưng dụng đất của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thời gian gửi thông báo thu hồi đất đối với đất nông nghiệp là 90 ngày, đối với đất phi nông nghiệp là 180 ngày. Tôi cho rằng, thời gian quá dài dẫn đến khó khăn trong GPMB, biến động giá cả, chậm tiến độ các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Bên cạnh đó, dự thảo chưa quy định đối với trường hợp người bị thu hồi đất không có mặt tại địa phương.
Khoản 2, Điều 89 của dự thảo quy định: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Đối với quy định này, tôi đề nghị cần cụ thể hóa tiêu chí để xác định thế nào là “tốt hơn nơi ở cũ"; nên giao trách nhiệm cho một đơn vị kiểm tra, giám sát, đánh giá điều kiện sống đối với nơi tái định cư có đảm bảo thực sự tốt hơn hay không? Nhà nước cần quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân về cơ hội việc làm, tạo thu nhập, đảm bảo được điều kiện sống ổn định và ngày càng tốt hơn. Việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất.
Điều 105 của dự thảo Luật quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất. Đối với quy định này, tôi đề nghị quy định rõ mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất, nhất là đối với các hộ sản xuất nông nghiệp. Bởi vì, thực chất của việc thu hồi đất nông nghiệp đối với các hộ làm nghề nông là thu hồi tư liệu sản xuất kèm theo đó là phương thức sản xuất đã gắn với người nông dân. Khi bị thu hồi đất, không tiếp tục làm nông nghiệp, người nông dân khó để thích ứng ngay với ngành nghề khác. Dó đó, nếu chỉ quy định hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm bằng các hình thức hỗ trợ như: được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề; được tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh (khoản 1 Điều 105) là chưa phù hợp mà cần phải có thêm mức chi phí cụ thể, đủ để học tập, thích ứng chuyển đổi nghề. Tránh trường hợp người nông dân sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp không có thu nhập để ổn định cuộc sống, để lại nhiều hệ lụy xấu về mặt xã hội.
Điều 139 của dự thảo quy định về xác định diện tích đất ở đối với trường hợp thửa đất có vườn, ao, hạn mức đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, đề nghị dự thảo Luật sửa đổi có quy định rõ về điều kiện để công nhận hạn mức sử dụng đất ở đối với thửa đất có nguồn gốc từ trước ngày 18-12-1980 (đối với những đơn vị có bản đồ 299 đo bao) để đảm bảo công bằng cho người sử dụng đất. Những trường hợp không có bản đồ đo bao thì UBND cấp xã xác định thời điểm sử dụng đất để xác định nguồn gốc đất cho các hộ (Chủ tịch UBND xã, phường chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác định nguồn gốc đất cho hộ gia đình, cá nhân).
Ông Lê Đình Luyện, công chức địa chính xã Lam Sơn, huyện Ngọc Lặc: Việc gia hạn thời hạn SDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là cần thiết
Khoản 1, Điều 166 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Thời hạn giao đất, công nhận QSDĐ nông nghiệp đối với cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 3, khoản 4 và khoản của Luật này là 50 năm. Khi hết thời hạn, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được tiếp tục SDĐ theo thời hạn quy định tại khoản này mà không phải làm thủ tục gia hạn, trừ trường hợp Nhà nước đã đưa diện tích đất hết hạn sử dụng vào kế hoạch SDĐ hoặc có quyết định thu hồi đất".
Nội dung này cần xem xét điều chỉnh cho phù hợp vì việc gia hạn thời hạn SDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là cần thiết và nên làm. Vì nếu không thực hiện gia hạn cũng đồng nghĩa với giao đất lâu dài giống như đất ở. Như vậy, mâu thuẫn với quy định về thời hạn SDĐ nông nghiệp và coi như thời hạn sử dụng đất nông nghiệp là lâu dài.
Mặt khác, trước khi gia hạn cơ quan Nhà nước cần đánh giá việc SDĐ của cá nhân được giao đất có đúng mục đích và có vi phạm pháp luật về đất đai không, từ đó làm cơ sở xem xét có đủ điều kiện được tiếp tục gia hạn hay không. Nếu không phải gia hạn thời hạn SDĐ nông nghiệp thì sẽ tạo điều kiện cho người dân không cần thiết phải chuyển mục đích đất vườn ao sang đất ở và như vậy cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc quản lý SDĐ và gây thất thu cho ngân sách Nà nước.
Đối với quy định về việc SDĐ để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận QSDĐ tại Điều 128 của dự thảo, tôi cho rằng cần xem xét, bổ sung quy định cụ thể về định mức thỏa thuận tối đa đối với các dự án thuộc trường hợp nêu trên. Hiện nay, có không ít các dự án SDĐ thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê QSDĐ, nhận góp vốn bằng QSDĐ để sản xuất kinh doanh, nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc thỏa thuận với các hộ gia đình, cá nhân có đất bị ảnh hưởng do các hộ gia đình, cá nhân trong phạm vi dự án đề nghị mức giá thỏa thuận quá cao khiến nhà đầu tư không thể đáp ứng được, dẫn đến không thể GPMB sạch để thực hiện dự án; Ngoài ra, khi người dân không đồng tình với mức giá thỏa thuận theo định mức tối đa được đưa ra thì cần có chế tài cụ thể để xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương.
Đối với quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại Điều 225 của dự thảo, tôi cho rằng nên giữ nguyên theo quy định Luật Đất đai năm 2013: Đối với trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự không có GCNQSDĐ hoặc không có một trong các loại giấy tờ về QSDĐ thì được lựa chọn cơ quan giải quyết là TAND hoặc UBND. Vì khi tranh chấp đất đai giữa cá nhân với cá nhân thì việc hòa giải tại UBND cấp xã là rất quan trọng vì ở UBND cấp xã là nơi xác định được rõ, cụ thể về nguồn gốc, quá trình SDĐ, nguyên nhân dẫn đến tranh chấp... Trên thực tế hiện nay có nhiều vụ việc thông qua bước hòa giải đã giải quyết được mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở. Như vậy, vụ tranh chấp sẽ được giải quyết nhẹ nhàng, nhanh gọn và cũng phù hợp với Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.