Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính vừa ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, việc xây dựng mô hình quản lý hải quan thông minh là một trong các nội dung trọng tâm. Kế hoạch cũng xác định rõ mục tiêu, đến năm 2025 ngành sẽ ngang bằng với các nước phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật… đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh, quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, ngành hải quan sẽ tập trung xây dựng mô hình hải quan thông minh nhằm đưa hải quan Việt Nam trở thành tổ chức hải quan hiện đại, theo các xu hướng và chuẩn mực quốc tế bảo đảm ứng dụng các thành tựu công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 (như: Al, Big Data, Blockchain, IoT,...) để phục vụ cho công tác trao đổi, chia sẻ thông tin, quản lý dữ liệu, tự động phân tích dữ liệu, hình ảnh và quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng. Cụ thể, quản lý biên giới thông minh thông qua các mô hình hải quan ảo, cửa khẩu điện tử theo khuyến nghị của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), hạn chế sự tham gia trực tiếp của công chức hải quan, đơn giản thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ tại biên giới, thực hiện phân luồng hàng hóa, hành khách, phương tiện, ủy quyền kiểm tra tại cửa khẩu.

Mô hình hải quan thông minh không chỉ dừng lại ở việc phải chia sẻ, kết nối dữ liệu

Mô hình hải quan thông minh không chỉ dừng lại ở việc phải chia sẻ, kết nối dữ liệu

Mô hình quản lý hải quan thông minh có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này cũng có nghĩa là mô hình này đòi hỏi mức độ tự động hóa cao, nền tảng số, phi giấy tờ, hướng tới sự minh bạch, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Như vậy, có thể thấy để vận hành được mô hình này, vấn đề cốt lõi và quan trọng nhất là phải bảo đảm kết nối toàn bộ các khâu nghiệp vụ trong quy trình thủ tục hải quan bảo đảm xuyên suốt, dữ liệu tích hợp từ khi hàng hóa đến cửa khẩu trong thời gian lưu giữ tại kho, bãi, cảng đến khi thông quan, đưa ra khỏi khu vực giám sát, đưa vào sản xuất hoặc sử dụng theo đúng mục đích đã đăng ký với cơ quan hải quan… Bên cạnh đó, các hoạt động nghiệp vụ được tự động hoàn toàn như: phân tích thông tin trọng điểm, xác định rủi ro, kiểm tra hồ sơ hải quan, hồ sơ phương tiện vận tải, phân luồng kiểm tra, quyết định thông quan, kiểm tra xác định số tiền thuế phải nộp, quản lý, theo dõi tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư trong quá trình sản xuất, gia công...

Để làm được điều này, bên cạnh việc các bộ, ngành liên quan sẵn sàng tích hợp, chia sẻ, thì các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị sẵn nền tảng công nghệ số, sẵn sàng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Ở khía cạnh này, doanh nghiệp rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước trong cải thiện năng lực số, công nghệ thông tin, kỹ thuật…

Liên quan đến vấn đề này, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025. Để tránh dàn trải, trùng lắp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, thiết nghĩ trong quá trình triển khai các bộ, ngành liên quan cần có sự phối hợp, để đáp ứng được nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp.

Nguyễn Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tin-phap-luat/ho-tro-doanh-nghiep-chuyen-doi-so-i291749/