Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã 'số hóa'
Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số (CĐS), tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 700 doanh nghiệp (DN) CĐS; kinh tế số đóng góp 20% vào GRDP của tỉnh. Để hoàn thành mục tiêu này, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh luôn chú trọng hỗ trợ các DN, hợp tác xã (HTX) đẩy mạnh CĐS.
Đầu tháng 7-2024, Sở Công Thương phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh (livestream) cho hơn 200 đại biểu đến từ các DN, HTX trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Sở Công Thương còn hỗ trợ cấp mã truy xuất nguồn gốc (QR code) miễn phí cho tất cả các sản phẩm của tỉnh; hỗ trợ thiết kế tem, mã truy xuất nguồn gốc, tờ rơi, tập gấp giới thiệu về sản phẩm và các giải pháp kỹ thuật đưa sản phẩm tham gia các sàn thương mại điện tử (như: thainguyentrade.vn; Voso.vn; Postmart.vn…); tư vấn, hỗ trợ thủ tục đăng ký website, app, sàn thương mại điện tử trực tuyến với Bộ Công Thương; đăng ký nhãn hiệu, mã số, mã vạch...
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, nhấn mạnh: Công nghệ đang phát triển mạnh mẽ trên nền tảng số. Đây là cơ hội, phương thức thiết thực giúp DN, HTX nhanh chóng nắm bắt vấn đề trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số. Đặc biệt là hình thức livestream bán hàng giúp DN, HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh, kết nối các chuỗi sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và định hướng xuất khẩu.
Tham gia trực tiếp khóa tập huấn, chị Hoàng Thị Tâm, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái, phấn khởi chia sẻ: Bản thân tôi đã livestream bán hàng từ lâu. Thông qua khóa tập huấn, tôi và đại diện các DN, HTX khác được hướng dẫn bài bản hơn về cách thức bán hàng trực tuyến, xây dựng các gian hàng trên nền tảng số. Đồng thời được "cầm tay chỉ việc", thực hành các thao tác bán hàng trực tiếp, xây dựng video quảng bá thương hiệu sản phẩm… Từ đó giúp gia tăng cơ hội kết nối giao thương thành công và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
Thời gian qua, Sở Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các DN, HTX trên địa bàn tỉnh kết nối sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và ứng dụng CĐS trong xúc tiến thương mại. Điều này góp phần giúp các đơn vị mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm. Đơn cử như các sản phẩm của Công ty CP Chè Hà Thái ở xã Hà Thượng (Đại Từ) đã được quảng bá, xúc tiến qua nhiều kênh bán hàng trực tuyến. Nhờ đó không chỉ các bạn hàng trong nước mà cả nước ngoài biết đến sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty CP Chè Hà Thái, cho biết: Mỗi năm, Công ty tiêu thụ khoảng 600 tấn chè tại hơn 40 đại lý cấp I, các siêu thị trong nước và xuất khẩu sang một số nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Srilanka…
Phối hợp với Sở Công Thương trong nhiều hoạt động, trong đó có việc hỗ trợ DN, HTX trong CĐS, ông Nguyễn Thành Dương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương), đánh giá: Việc tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho DN, HTX tại tỉnh Thái Nguyên sẽ hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi CĐS trong xúc tiến thương mại đối với DN cộng đồng; thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong xúc tiến thương mại.
Đúng như khẳng định của ông Dương, thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU về CĐS, thời gian qua các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực hỗ trợ các DN, HTX, hộ sản xuất kinh doanh CĐS. Đáng chú ý là Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã phối hợp với Công ty CP MISA triển khai chương trình hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện CĐS giai đoạn 2022-2025.
Trong 2 năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 4 hội thảo giải pháp CĐS trong DN, HTX, hộ kinh doanh và 47 khóa/lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng sử dụng, khai thác các nền tảng số thông qua các hội nghị trực tuyến và trực tiếp với 1.728 DN, HTX, hộ kinh doanh.
Sở Thông tin và Truyền thông cũng phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ 546 DN, HTX, hộ kinh doanh trải nghiệm, sử dụng các nền tảng số: Nền tảng quản trị DN hợp nhất; phần mềm kế toán DN nhỏ và vừa; phần mềm hóa đơn điện tử; dịch vụ chữ ký số; phần mềm quản lý nhà hàng, cửa hiệu, với hơn 4.100 lượt cài đặt/bản quyền phần mềm... Các khóa đào tạo, chương trình tập huấn đều thực hiện miễn phí.
Trong khi đó, Cục Thuế tỉnh triển khai thành công hóa đơn điện tử cho toàn bộ DN trên địa bàn tỉnh, đạt tỷ lệ 100%. Thực hiện tốt Chỉ thị số 14/CT-UBND của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc tăng cường triển khai thuế điện tử (eTax Mobile) hỗ trợ cho người nộp thuế là cá nhân trên thiết bị di động.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 324 DN công nghệ số. Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê: Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP của tỉnh năm 2023 là 31,4%, đứng thứ 3/61 tỉnh, thành phố cả nước.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 190.000 hộ, DN, HTX sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản để đưa sản phẩm lên giao dịch trên sàn thương mại điện tử (Postmart.vn; Voso.vn) với trên 1.800 sản phẩm. Với sự hỗ trợ, đồng hành của cơ quan, chính quyền các cấp, cùng với sự thay đổi nhận thức kinh doanh truyền thống sang môi trường số đã chắp cánh cho các sản phẩm nông sản, đặc sản là thế mạnh của Thái Nguyên vươn xa ra các nước trên thế giới.
Điều đó không chỉ đem lại lợi nhuận cho DN, HTX, hộ kinh doanh mà còn góp phần hoàn thành chỉ tiêu về phát triển kinh tế số trong chương trình CĐS của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.