Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối qua thương mại điện tử
Tiềm năng phát triển và lợi ích của thương mại điện tử là rất lớn, song vẫn tồn tại không ít thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thương mại điện tử và tiếp cận với kinh tế toàn cầu.
Ngày 6/4 tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sự kiện "Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kết nối với thị trường thế giới qua thương mại điện tử".
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) cho biết, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, kết nối với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; trong đó, có những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA... Đây là những điều kiện thuận lợi để mở rộng cánh cửa thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời cũng là cơ hội để thu hút đầu tư, công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành động lực quan trọng cho thương mại điện tử của thế giới cũng như Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. Thương mại điện tử đang trở thành xu hướng tất yếu và cũng là cơ hội lớn để mỗi quốc gia mang sản phẩm của mình đến với toàn thế giới.
Những năm gần đây, thương mại điện tử Việt nam ngày càng được mở rộng và phát triển và cũng là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế.
Nhiều chính sách phát triển thương mại điện tử; trong đó có Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã xác định một số mục tiêu như: "Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử; xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ở cả trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch, thương mại điện tử xuyên biên giới...".
Trước thực tế ấy, theo bà Tâm, tiềm năng phát triển và lợi ích của thương mại điện tử là rất lớn. Tuy nhiên vẫn tồn tại không ít thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thương mại điện tử như thiếu kỹ năng kinh doanh trực tuyến; khó khăn trong tạo dựng niềm tin với khách hàng; các quy định cần tuân thủ của các quốc gia nhập khẩu hay như việc doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc còn chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức, chưa đáp ứng được yêu cầu truy xuất....
Các doanh nghiệp cũng còn chưa thực sự tập trung đầu tư, chăm sóc và xây dựng các gian hàng chất lượng trên các nền tảng thương mại điện tử để tối ưu doanh thu và tiếp cận khách hàng....
Bàn về giải pháp kết nối, tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam qua thương mại điện tử, chuyên gia Lê Trung Dũng cho hay, giai đoạn từ 2017-2022 thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định từ 16-33%. Báo cáo "Kinh tế khu vực Đông Nam Á 2022" của Ngân hàng Thế giới đánh giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế Internet Việt Nam nhanh nhất trong khu vực, từ 18 tỷ USD năm 2021 lên quy mô 23 tỷ USD trong năm 2022. Dự báo, kinh tế Internet của Việt Nam sẽ đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2023; trong đó, thương mại điện tử chiếm 32 tỷ USD.
Nhằm giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, giải pháp và công cụ kết nối, tiếp cận khách hàng trong và ngoài nước thông qua thương mại điện tử, các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi, khung khổ pháp lý trong thương mại điện tử để tăng thêm niềm tin ở các doanh nghiệp trong nước khi tham gia vào sân chơi toàn cầu này. Cùng với đó, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc trong xây dựng thương hiệu nhằm tăng cơ hội tiếp cận thị trường tiềm năng và gia tăng giá trị cho sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp.../.