Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Xác định công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển, thành phố đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể để hỗ trợ cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa) tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để cập những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp trong nước khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần NC Network Bùi Thị Hồng Hạnh cho biết: Phần lớn doanh nghiệp gặp phải chướng ngại ở khâu tiếp cận khách hàng, thông tin thị trường, nguồn nhân lực, thiết bị, máy móc, vấn đề tài chính, tiêu chuẩn, chứng chỉ liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên, vật liệu, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới... Trong đó, phần lớn nguyên, vật liệu phải đặt mua ở nước ngoài; Việt Nam cũng chưa có một thương hiệu máy (máy cái, máy công cụ) đủ tốt mà phần lớn doanh nghiệp còn sử dụng máy cũ của Nhật Bản.
Hiện nay, dù đã tăng mạnh nhưng số lượng doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đủ; còn thiếu doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghệ nguồn như khuôn, đúc, ép nhựa, hàn, xử lý nhiệt… Việt Nam chưa hình thành được chuỗi cung ứng nội địa hoàn chỉnh, nên khó có thể đáp ứng các đơn hàng đòi hỏi gia công nhiều công đoạn. Do vậy, phần lớn đơn hàng bị trễ hạn so với thời hạn đã cam kết với đối tác.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng bị động trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng do thiếu thông tin về những yêu cầu mới tại các thị trường xuất khẩu. Theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Từ thực tế trên, bà Bùi Thị Hồng Hạnh cho rằng: Ðể các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhanh chóng tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu, Nhà nước cần nâng cao hơn nữa chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, đào tạo nhân lực, vốn tín dụng, thị trường. Trong đó, cần quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ gắn liền với chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong nước với chi phí, chính sách hợp lý. Ngoài ra, Nhà nước có chiến lược dài hạn, cụ thể, nhất quán, xác định ngành công nghiệp mũi nhọn phù hợp với điều kiện đất nước để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển và giảm phụ thuộc doanh nghiệp nước ngoài.
Còn theo ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương thành phố), từ năm 2015 thành phố đã bắt đầu xây dựng đề án thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thực sự phát triển do chưa được luật hóa, công tác quản lý quy hoạch, chiến lược phát triển, đặc biệt là trong khâu quản lý và liên kết vùng còn hạn chế.
Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghiệp còn phân tán; phần lớn doanh nghiệp là nhỏ và vừa cho nên bị hạn chế về nhân sự, nguồn lực tài chính, nghiên cứu và phát triển sản phẩm… Ông Hào cho rằng, cần sớm hoàn thiện Luật Phát triển công nghiệp và thành lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp quốc gia; tập trung phát triển quỹ đất công nghiệp, nguồn nhân lực, phát triển ngành công nghiệp ưu tiên, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kết nối cung-cầu...
Theo các chuyên gia, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình; giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ðể có thể đạt được những mục tiêu, Tiến sĩ Võ Trí Thành (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng: Cần có tiêu chí sàng lọc, lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài, tránh thu hút nhà đầu tư có tính chất đối kháng với doanh nghiệp trong nước. Các cơ quan chức năng liên quan cần tăng khả năng kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; đồng thời, cần có chính sách vốn tín dụng với lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thiết bị, nghiên cứu và phát triển... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) Trương Thanh Hoài, Bộ Công thương ưu tiên hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công nghiệp, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động phát triển công nghiệp trên cả nước. Ðặc biệt là có một đạo luật chuyên môn về công nghiệp để thống nhất các chính sách pháp luật nhằm xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, hiện đại, bảo đảm năng lực tự chủ về tư liệu sản xuất và nâng cao vị thế của một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu.
Ðồng thời, đề xuất cơ chế thúc đẩy phát triển các tập đoàn công nghiệp quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên cũng như hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển theo định hướng của Chính phủ.