Hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn

Việc phát triển doanh nghiệp cần đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa các trụ cột, bao gồm: môi trường, xã hội, và quản trị.

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong SX cà phê. Ảnh: BNEWS phát

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong SX cà phê. Ảnh: BNEWS phát

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh cho biết, VCCI sẽ tiếp tục phát huy lợi thế sẵn có trong việc tiếp cận doanh nghiệp, kết hợp với các mối quan hệ đối tác chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để kiến nghị, xây dựng thể chế pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi triển khai các sáng kiến, mô hình kinh doanh bền vững. Đặc biệt, VCCI chú trọng kiến nghị hoàn thiện thể chế thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.

Phát triển bền vững không chỉ là tấm hộ chiếu để các doanh nghiệp chủ động, linh hoạt hơn trong việc thâm nhập các thị trường mới, kêu gọi đầu tư, mà còn là xương sống để xây dựng nguồn lực, sức khỏe nội tại của doanh nghiệp.

Do đó, việc phát triển doanh nghiệp cần đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa các trụ cột, bao gồm: môi trường, xã hội, và quản trị (ESG). Đây cũng là chiếc kiềng ba chân nhằm phát huy và đáp ứng yêu cầu của xã hội đối với doanh nghiệp về nhiều mặt, không chỉ đảm nhiệm là động lực phát triển kinh tế mà còn ở việc ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường…

Ghi nhận hành trình thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp Việt Nam trong 20 năm qua, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, VCCI đã phối hợp hiệu quả với các ban, bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức phát triển quốc tế như Liên Hợp Quốc (UN), Hội đồng Doanh nghiệp thế giới về phát triển bền vững (WBCSD) hay Ngân hàng Thế giới (WB).... cùng các hiệp hội doanh nghiệp triển khai các chương trình phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp thông qua các dự án có ý nghĩa về trách nhiệm xã hội; cải thiện điều kiện lao động, nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động, giảm nghèo thông qua trợ giúp tổng thể phát triển doanh nghiệp nhỏ, phòng thống tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp với những kết quả nổi bật.

Từ năm 2005, VCCI đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Action Aid Việt Nam tổ chức Giải thưởng Trách nhiệm Xã hội (CSR Award), đây chính là tiền thân của Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững Việt Nam (CSI 100).

Ngoài ra, còn có các hoạt động kiến nghị chính sách, đối thoại giữa Chính phủ và doanh nghiệp về kinh doanh bền vững, đặc biệt là sáng kiến Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) tổ chức thường niên từ năm 2014, góp phần không nhỏ vào sự ra đời của những chính sách bản lề trong phát triển bền vững doanh nghiệp.

Chỉ thị về phát triển bền vững cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 20/05/2019; Quyết định 1362/2019 của Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch phát triển bền vững của khu vực doanh nghiệp tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030. VCCI với các thành viên nòng cốt của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) cũng đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu xây dựng và triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh các giai đoạn 2012 - 2020, 2020 - 2025, tầm nhìn 2030.

Cùng với đó, là việc xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) đã ra mắt vào năm 2016. Đây là bộ chỉ số đầu tiên về phát triển bền vững dành cho doanh nghiệp, cung cấp cho các doanh nghiệp một công cụ quản trị khoa học, có hệ thống và cụ thể hóa lộ trình thực hiện phát triển bền vững...

Đánh giá cao quan điểm và chủ trương triển khai xu hướng ESG tại Việt Nam, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG cho hay, sáng kiến về môi trường được SCG liên tục triển khai trong năm 2022.

Đơn vị cũng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam và hợp tác với các tổ chức công - tư để triển khai nhiều dự án trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bản thân SCG cũng ứng dụng sáng kiến "Phiên họp xanh" và triển lãm làm từ giấy. Giấy tái chế được tận dụng để làm phông nền, bục phát biểu, bàn ghế, đồ vật trang trí....sau đó được tái chế thành kệ sách cho thiếu nhi.

Tập đoàn SCG cùng các công ty thành viên đã chung tay cùng địa phương xây dựng môi trường sống xanh tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; ngành hóa dầu của Tập đoàn SCG cùng Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) phối hợp cùng UBND thành phố Vũng Tàu trồng 400 cây xanh góp phần vào mục tiêu đưa địa phương trở thành Đô thị Xanh./.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ho-tro-doanh-nghiep-thuc-day-mo-hinh-kinh-te-tuan-hoan/289597.html