Hỗ trợ doanh nghiệp Việt hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Thông tin tối ngày 3/12 từ Ngân hàng UOB Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) và UOB Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm thúc đẩy hợp tác kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện UOB Việt Nam đánh giá, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hàng đầu cho FDI tại khu vực Đông Nam Á. Bất chấp sự bất ổn kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng vốn FDI, với dòng vốn thực tế ghi nhận mức kỷ lục 23,2 tỷ USD năm 2023, vượt qua kỷ lục trước đó là 22,4 tỷ USD vào năm 2022.
Tính đến tháng 10 năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước lên mức 19,6 tỷ USD, đánh dấu mức cao nhất trong 5 năm qua. Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò là động lực chính của sự tăng trưởng này, chiếm 7,7% tổng vốn FDI đăng ký và dẫn đầu cả nước về số dự án mới (chiếm 41,9%) trong 10 tháng năm 2024.
Biên bản ghi nhớ trên của 2 bên nhằm thu hút FDI chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như: Công nghệ cao, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, chăm sóc sức khỏe. Thỏa thuận này cũng hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu và mở rộng ra quốc tế.
“Đơn vị tư vấn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI Advisory Unit) của UOB Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với ITPC để thu hút và tạo điều kiện cho các khoản đầu tư chất lượng cao vào Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam của Việt Nam. Phía ngân hàng cũng sẽ hỗ trợ các công ty Việt Nam hội nhập vào chuỗi cung ứng của các công ty FDI đang là khách hàng và đối tác của UOB. Ngoài ra, ngân hàng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng sang Singapore và các thị trường ASEAN khác”, đại diện UOB Việt Nam cho biết.
Ông Victor Ngo - Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết: "Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với FDI, với Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế năng động. Nghiên cứu Triển vọng kinh doanh năm 2024 của UOB cho thấy, gần 90% các công ty Việt Nam mong muốn mở rộng ra quốc tế, đặc biệt trong khu vực ASEAN. Với mạng lưới rộng khắp ASEAN và chuyên môn sâu rộng trong việc tạo điều kiện cho các khoản đầu tư xuyên biên giới, UOB có vị thế để giúp các công ty trên toàn cầu và trong khu vực nắm bắt các cơ hội tăng trưởng tại Việt Nam; đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt mở rộng kinh doanh ra nước ngoài".
Ngân hàng đã thành lập một đơn vị tư vấn FDI chuyên biệt nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực. Trong thập kỷ qua, hơn 4.500 công ty đã sử dụng dịch vụ tư vấn FDI của UOB để mở rộng ra nước ngoài, đặc biệt là vào ASEAN. Tại Việt Nam, Đơn vị tư vấn FDI của UOB đã hỗ trợ khoảng 300 công ty mở rộng vào thị trường này trong 5 năm qua. Các công ty này đã cam kết đầu tư khoảng 7,3 tỷ đô la Singapore và tạo ra khoảng 50.000 cơ hội việc làm tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, điểm sáng trong việc thu hút FDI tại Việt Nam trong thời gian gần đây đó chính là thu hút hoạt động FDI của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Tập đoàn lớn như Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất của mình vào Việt Nam; đồng thời, “bộ ba” đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở Việt Nam.