Hỗ trợ đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm tại các làng nghề

Để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng chính sách hỗ trợ về đổi mới công nghệ, thay đổi sản xuất sạch hơn.

Các làng nghề không chỉ tạo việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập cho lao động tại chỗ ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mà còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển làng nghề xen kẽ giữa khu dân cư đã và đang gây ra những hệ lụy không nhỏ về vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân.

Bụi gỗ, bụi sơn bao trùm không gian sống tại làng mộc Bích Chu, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) hàng ngày.

Bụi gỗ, bụi sơn bao trùm không gian sống tại làng mộc Bích Chu, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) hàng ngày.

Làng nghề mộc Bích Chu, xã An Nhân, huyện Vĩnh Tường được biết đến là làng nghề truyền thống lâu đời nổi tiếng với những sản phẩm điêu khắc từ gỗ, đồ thờ sơn son thếp vàng, thếp bạc. Tuy nhiên, nỗi lo về ô nhiễm môi trường làng nghề đang đè nặng lên vai chính quyền và người dân địa phương. Đa phần các hộ làm nghề mộc sản xuất có quy mô nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư. Quá trình sản xuất, chế biến gỗ đã xả thải ra bụi gỗ, sơn, dầu máy, mùn cưa, vỏ bào, đầu mẩu gỗ thừa, giẻ lau dính dầu mỡ…, tạo ra các nguồn thải khó tập trung và gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí.

Bà Đàm Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã An Nhân cho biết: Để khắc phục và xử lý ô nhiễm khí thải và tiếng ồn tại làng nghề mộc, từ năm 2015 -2016, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai dự án hỗ trợ hệ thống xử lý bụi gỗ và hơi sơn cho các hộ làm nghề mộc trên địa bàn xã. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn 18/935 hộ làm nghề còn duy trì hệ thống xử lý bụi và khí thải hơi sơn. Còn lại đa phần các hộ làm nghề vẫn đang sống chung với bụi thải phát sinh hàng ngày.

Tương tự, tại làng nghề rèn Bàn Mạch chuyên sản xuất các loại dao, kéo, cuốc, xẻng..., lượng rác thải sau sản xuất cũng trở thành bài toán chưa có lời giải. “Đặc sản” của làng Bàn Mạch đó là những tiếng quai búa inh tai nhức óc. Hiện nay, đa phần các hộ ở làng rèn Bàn Mạch vẫn sử dụng lò than để nung thép. Khói từ các bếp than nung sắt, bụi và dầu mỡ từ việc tôi luyện sản phẩm đã khiến cho môi trường đất, nước, không khí xung quanh bị ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sức khỏe của người dân.

Anh Phùng Văn Đô, chủ cơ sở sản xuất rèn ở thôn Bàn Mạch, xã An Nhân cho biết, nhiều hộ làm nghề ở Bàn Mạch muốn thay đổi sản xuất từ lò than sang lò đốt bằng gas hoặc điện nhưng do thiếu mặt bằng sản xuất và thiếu vốn nên đến nay vẫn chưa hộ nào áp dụng được.

Anh Phùng Văn Đô mong muốn tỉnh Vĩnh Phúc sớm xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề nhằm di dời, đưa các hộ sản xuất rèn ra khu vực sản xuất riêng, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu dân cư. Đồng thời, xây dựng hệ thống nước thải tập trung, đảm bảo kỹ thuật môi trường.

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 19 làng nghề truyền thống được công nhận và hàng chục làng có nghề tiểu thủ công nghiệp sản xuất nhiều mặt hàng đặc thù của địa phương. Sự phát triển sản xuất ở các làng nghề đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Tuy nhiên, tại các làng nghề và cơ sở công nghiệp nông thôn, công tác bảo vệ môi trường còn gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các cơ sở công nghiệp nông thôn có quy mô sản xuất nhỏ, chậm đổi mới công nghệ, mặt bằng sản xuất chật hẹp, các làng nghề còn xen kẽ trong khu dân cư. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng tại một số địa phương vẫn ở mức thấp, không có hệ thống thu gom và xử lý chất thải hoặc không đáp ứng được yêu cầu.

Phần lớn các hộ ở làng rèn Bàn Mạc ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) vẫn sử dụng lò than để nung thép, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sức khỏe của người dân.

Phần lớn các hộ ở làng rèn Bàn Mạc ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) vẫn sử dụng lò than để nung thép, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sức khỏe của người dân.

Để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng chính sách hỗ trợ về đổi mới công nghệ, thay đổi sản xuất sạch hơn. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả.

Vĩnh Phúc triển khai các chương trình khuyến công hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh dành hơn 38 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật cho 160 cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ thuê tư vấn đánh giá về áp dụng sản xuất sạch hơn cho 8 cơ sở.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch thành lập 16 cụm công nghiệp, làng nghề sản xuất tập trung với tổng diện tích quy hoạch là 344 ha để từng bước di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư; hỗ trợ 100% kinh phí lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật; tăng cường công tác giám sát, có các giải pháp khắc phục, giải quyết những hạn chế, bất cập về ô nhiễm môi trường trong các cụm công nghiệp, khu dân cư khu vực nông thôn.

Bài và ảnh: Nguyễn Thảo (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/ho-tro-doi-moi-cong-nghe-giam-o-nhiem-tai-cac-lang-nghe-20250405074451527.htm