Hỗ trợ, đồng hành giúp nông dân phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp

Việc định hướng, hỗ trợ của các cấp chính quyền về cơ chế, chính sách, trang bị chuyên môn nghiệp vụ và hỗ trợ xúc tiến sản phẩm cho nông dân là rất cần thiết giúp nông dân làm du lịch thành công.

Du khách tham quan, chụp ảnh tại Tổ hợp tác hoa, kiểng khóm Tân An, phường An Hòa, thành phố Sa Đéc. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Du khách tham quan, chụp ảnh tại Tổ hợp tác hoa, kiểng khóm Tân An, phường An Hòa, thành phố Sa Đéc. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Từ tài nguyên là hoạt động sản xuất nông nghiệp, các mặt hàng nông sản, những hoạt động thể hiện nét văn hóa bản địa, nhiều nông dân các tỉnh, thành phố Nam Bộ vừa là những nông dân sản xuất giỏi, đồng thời là chủ nhân, hướng dẫn viên du lịch ngay tại điểm đến.

Phát triển du lịch song hành cùng sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân đã thành công. Tuy nhiên, trên hành trình phát triển kinh tế nông nghiệp cùng kinh tế du lịch, dịch vụ, họ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cần tiếp tục được sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan.

Hiện nay, nói đến các sản phẩm du lịch ở nhiều địa phương, không thể thiếu nhóm sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Miệt vườn cây ăn trái trĩu quả, vườn hoa, cây cảnh rực rỡ sắc màu hay ruộng muối trắng tinh của nông dân các xã vùng biển, đảo... đã trở thành những sản phẩm du lịch đặc sắc.

Nhiều trải nghiệm hấp dẫn

Về Làng hoa Sa Đéc (phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), du khách như lạc vào vương quốc hoa với đủ chủng loại hoa, cây cảnh ngập tràn sắc màu.

Được hình thành từ cuối thế kỷ 19, là "thủ phủ hoa" miền Tây Nam Bộ, Làng hoa Sa Đéc giờ đây còn là điểm đến du lịch đầy ấn tượng của du khách trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng - người nông dân gắn bó nhiều năm với nghề trồng hoa, cây cảnh ở Làng hoa Sa Đéc, hiện là Phó Giám đốc Công ty hoa kiểng Ngân Cường, đồng thời là chủ nhân Khu du lịch vui chơi miệt vườn Happy Land Hùng Thy. Tranh thủ trả lời điện thoại của khách hàng hỏi về các sản phẩm hoa, cây cảnh, ông Hùng chia sẻ với chúng tôi về "cơ duyên" làm du lịch.

Gia đình ông Hùng có 3 thế hệ đã gắn bó với nghề trồng hoa, cây cảnh. Lúc đầu, khi được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đến tham quan vườn ươm các loại hoa, cây cảnh và gợi ý gia đình quy hoạch lại các diện tích đất vườn, sửa sang để kết hợp bày bán các loại hoa, cây cảnh vừa đón du khách tới tham quan, ông không "mặn mà" lắm.

 Nghề trồng hoa, kiểng tại Sa Đéc đã hình thành và phát triển hàng trăm năm qua. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Nghề trồng hoa, kiểng tại Sa Đéc đã hình thành và phát triển hàng trăm năm qua. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Tuy nhiên, sau nhiều lần được sự động viên, hướng dẫn của lãnh đạo tỉnh, thành phố Sa Đéc, ông đã thay đổi suy nghĩ, quyết định vừa phát triển sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh, vừa xây dựng khu du lịch vui chơi miệt vườn từ chính những lợi thế am hiểu nghề truyền thống.

Hiện nay với diện tích 17.000m2, Khu du lịch vui chơi miệt vườn Happy Land Hùng Thy của gia đình ông là một trong những địa chỉ nổi bật ở Làng hoa Sa Đéc.

Khu du lịch được đầu tư, quy hoạch bài bản, gồm các khu chức năng: Vườn ươm trồng hoa, cây cảnh; khu trải nghiệm các trò chơi dân gian đậm chất văn hóa miệt vườn như bơi xuồng, đi cầu khỉ, đạp xe thăng bằng...; khu tiểu cảnh chụp hình lưu niệm; khu vực ẩm thực; quầy giới thiệu, bày bán các đặc sản Đồng Tháp.

Khu du lịch vui chơi miệt vườn Happy Land Hùng Thy đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, mỗi năm đón trên 100.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Còn ở ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những điểm đến có những sản phẩm du lịch đậm phong vị biển, đảo là du lịch cộng đồng ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ.

Tại điểm du lịch này, du khách tham quan không gian nhà muối, ruộng muối, tham quan rừng ngập mặn, nghe tiếng đàn sến, thưởng thức ẩm thực, thức uống xứ biển, ngâm chân thư giãn với thảo dược muối. Chủ nhân của các sản phẩm du lịch chính là những diêm dân, ngư dân trước đây chỉ quen sớm hôm vất vả với nghề làm muối, khai thác, nuôi trồng thủy sản.

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Hợp tác xã nông nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch cộng đồng Thiềng Liềng cho biết với sự giúp đỡ, tư vấn của các cấp, ngành, phát triển du lịch từ hạt muối và những nét văn hóa cộng đồng, Hợp tác xã được thành lập từ 2 năm nay, tập hợp các thành viên là nông dân, tham gia làm du lịch cộng đồng.

Nhờ có thêm nghề làm du lịch, dịch vụ với loạt sản phẩm từ đồng muối, từ đặc sản ẩm thực, mọi người có thu nhập cao hơn.

Điều đáng mừng là hạt muối Cần Giờ và nhiều sản phẩm được sáng tạo, chế biến từ hạt muối như muối thảo dược làm đẹp, chăm sóc sức khỏe đã được nhiều người biết đến, giá trị hạt muối nâng lên, thị trường tiêu thụ mở rộng. Nhiều du khách đến du lịch ấp Thiềng Liềng đã mua với số lượng lớn các túi muối thảo dược về để sử dụng hoặc làm món quà biếu, tặng đầy ý nghĩa.

Nói về kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch, bà Lê Thị Bé Bảy, Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn (Cần Thơ) chia sẻ có sản phẩm độc đáo là rất quan trọng để thu hút khách. Có câu chuyện nông nghiệp bản địa, tìm ra chất liệu tốt nhất để làm nên sự khác biệt của sản phẩm, thuyết minh cho du khách giá trị sản phẩm của mình là cách để sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn của người nông dân được đánh giá cao.

Những nông dân là thành viên Hợp tác xã Du lịch Nông nghiệp Cồn Sơn đều hiểu và ý thức vị trí địa lý, phong tục, tập quán nơi mình sinh sống để giới thiệu đến du khách như: giới thiệu "mâm cơm cộng đồng" với các món ăn, các loại bánh dân gian: bánh khọt, bánh lọt, bánh tằm hay chiếc bánh tét Cồn Sơn có nhân được làm từ sâm, tạo nét riêng cho du lịch Cồn Sơn…

Hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân làm du lịch

Theo bà Lê Thị Bé Bảy, Hợp tác xã Du lịch Nông nghiệp Cồn Sơn, để làm nông nghiệp kết hợp với du lịch thành công, trước tiên phải có sự quyết tâm của bà con nông dân chuyển đổi từ mô hình nông nghiệp thuần túy sang mô hình du lịch nông nghiệp.

Cùng với đó, việc định hướng, hỗ trợ của các cấp chính quyền thông qua ban hành cơ chế, chính sách, trang bị chuyên môn nghiệp vụ và hỗ trợ xúc tiến sản phẩm cho nông dân là rất cần thiết.

Những năm gần đây, nông dân Cồn Sơn làm du lịch thành công được là nhờ hai yếu tố này. Người nông dân được tư vấn xây dựng sản phẩm, hướng dẫn chỉnh trang cảnh quan môi trường, chế biến trưng bày đặc sản. Các ngành, đoàn thể giúp kết nối đến các công ty lữ hành, hỗ trợ người dân học ngoại ngữ.

Hiện nay, khoảng 60 thành viên Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn đã giao tiếp thành thạo tiếng Anh, Pháp, Hàn Quốc, là những thuyết minh viên tại điểm đến, phục vụ du khách nước ngoài.

 Mỗi ngày, Bè cá Bảy Bon (thuộc Hợp tác xã Du lịch Cồn Sơn, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) thu hút khoảng 800-1.100 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu về các loài cá trên sông Hậu. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Mỗi ngày, Bè cá Bảy Bon (thuộc Hợp tác xã Du lịch Cồn Sơn, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) thu hút khoảng 800-1.100 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu về các loài cá trên sông Hậu. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Bé Bảy, muốn phát triển bền vững, thu hút du khách được lâu dài, hạ tầng phát triển du lịch ở khu vực Cồn Sơn cần được hoàn thiện hơn. Những nông dân làm du lịch ở Cồn Sơn mong muốn, các cấp chính quyền tiếp tục ưu tiên cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ về giao thông, điểm và bãi đỗ xe, bến, cầu tàu thuyền, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, thu gom và xử lý rác thải. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn người dân đẩy mạnh xây dựng các nội dung xúc tiến quảng bá du lịch phù hợp loại hình du lịch nông nghiệp cộng đồng, sinh thái, phù hợp với từng đối tượng du khách, kết nối nhiều hơn với các điểm du lịch ở các địa phương, xây dựng nhiều hơn các tuyến, lịch trình điểm đến theo hệ thống sông Hậu, trong đó có điểm đến Cồn Sơn.

Tại Đồng Tháp, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh có quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2022-2026 với nhiều nội dung cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ phát triển du lịch.

Đồng Tháp có chính sách với các mức hỗ trợ cụ thể để đầu tư phát triển điểm du lịch tham quan vườn hoa, cây cảnh hoặc cánh đồng sen, vườn cây ăn trái, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc gắn với sản xuất làng nghề, làng nghề truyền thống.

Tỉnh cũng hỗ trợ đầu tư loại hình du lịch homestay (khách lưu trú và trải nghiệm văn hóa sinh hoạt gia đình tại nhà dân) chất lượng cao hoặc farmstay (khách lưu trú, trải nghiệm các giá trị văn hóa bản địa tại trang trại) kết hợp trải nghiệm nông nghiệp chất lượng cao…, góp phần phát triển du lịch Đồng Tháp từ lợi thế địa phương. Đồng thời, tỉnh Đồng Tháp có kế hoạch triển khai các giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh khuyến khích sự tham gia của các nông hộ vào hoạt động du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp, làng nghề. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp lữ hành, các hợp tác xã, hội quán trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, kết nối xây dựng tour tuyến, từ đó phát triển kinh tế khu vực nông thôn thông qua hoạt động du lịch, đồng thời gia tăng chuỗi giá trị nông sản.

Tỉnh tập trung xây dựng, hoàn thiện các mô hình sản phẩm du lịch nông nghiệp tiêu biểu để định hướng đầu tư phát triển, nhân rộng, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ lao động trực tiếp tham gia làm du lịch nông nghiệp, nông thôn được đào tạo tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ du lịch; thu nhập của hộ dân làm du lịch nông nghiệp gấp từ 1,5 lần thu nhập của hộ dân làm nông nghiệp thuần túy trở lên, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở các địa phương.

Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, với phương châm phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp, làng nghề ở khu vực ngoại thành phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, công nghệ cao, các sản phẩm thuộc chương trình OCOP, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, nâng cao đời sống nông dân ngoại thành, Ủy ban Nhân dân Thành phố có Đề án Nâng cao đời sống kinh tế của nông dân gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, phát triển nông thôn mới giai đoạn 2023-2025.

Thành phố chú trọng phát triển, hoàn thiện nhiều sản phẩm du lịch gắn với đời sống, hoạt động sản xuất nông nghiệp khu vực ngoại thành, phát triển các sản phẩm lưu niệm, các đặc sản do người nông dân làm ra.

Các cấp, các ngành quan tâm tạo thuận lợi, kết nối các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn ngoại thành đến các thị trường du lịch để hình thành nhiều tour, tuyến mới, tạo màu sắc mới mẻ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước đối với một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ho-tro-dong-hanh-giup-nong-dan-phat-trien-du-lich-gan-voi-san-xuat-nong-nghiep-post956932.vnp