Hỗ trợ dự án, mô hình giúp người dân Thừa Thiên Huế thoát nghèo bền vững
Nhiều dự án, mô hình trong sản xuất, chăn nuôi đã được hỗ trợ nhằm giúp người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vươn lên thoát nghèo.
Hỗ trợ, đầu tư 14 dự án chăn nuôi
Xác định việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo theo Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp các Sở ban ngành, địa phương triển khai các chính sách và hướng dẫn thực hiện các dự án mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình với nhiều kết quả nổi bật.
Ông Hồ Đăng Khoa – Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) cho biết, qua hơn 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự đoàn kết, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển chung của tỉnh.
Các chính sách giảm nghèo đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế, làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sản xuất và dân sinh, giúp người dân cải thiện thu nhập và vươn lên thoát nghèo.
Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng kế hoạch triển khai các chính sách và hướng dẫn xây dựng dự án, kế hoạch hỗ trợ mô hình sản xuất cho các xã thuộc các huyện, thị và thành phố với một số dự án, mô hình đã được phê duyệt và đầu tư.
Theo đó, có 14 dự án được phê duyệt và đầu tư hỗ trợ thuộc các lĩnh vực: chăn nuôi bò có 4 dự án (huyện Nam Đông 3, thị xã Hương Thủy 1); chăn nuôi gà có 7 dự án (thị xã Hương Thủy 1, huyện Phú Vang 3, huyện Quảng Điền 2, thị xã Hương Trà 1); chăn nuôi lợn có 2 dự án (Hương Thủy 1, Phú Vang 1) và nuôi trồng thủy sản có 1 dự án (Phú Vang 1).
Kết quả sau 2 năm thực hiện (2022-2023), dự án đã thu hút được nhiều hộ gia đình tham gia, góp phần hỗ trợ bà con vươn lên thoát nghèo. Cụ thể bao gồm các dự án với 18 mô hình: nuôi gà lai kiến thả vườn, gà đệm lót sinh học; nuôi bò sinh sản và nuôi lợn thịt với tổng số hộ tham gia là 512 hộ (258 hộ nghèo, 199 hộ cận nghèo, 55 hộ thoát nghèo.
Mở lớp tập huấn, trao kế sinh nhai cho người dân
Về việc triển khai hướng dẫn các chính sách và xây dựng dự án, Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch để phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn hướng dẫn các chính sách của Trung ương, tỉnh và quy trình xây dựng dự án, cũng như định mức định mức kinh tế kỹ thuật về hỗ trợ phát triển sản xuất cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, thôn của các địa phương.
Năm 2023, đơn vị đã tổ chức 9 lớp tập huấn ở các xã Thượng Long, Hương Hữu (huyện Nam Đông), Lộc Vĩnh, Giang Hải (huyện Phú Lộc), Phú Gia (huyện Phú Vang), Phong Chương, Điền Hương (huyện Phong Điền), Đông Sơn, Hồng Hạ (huyện A Lưới) với số lượng 355 học viên tham gia.
Năm 2024, tiếp tục tổ chức 16 lớp thuộc 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện A Lưới với số lượng học 620 học viên.
Thông qua tập huấn, các học viên đã được trang bị thêm những kiến thức cơ bản và nâng cao kiến thức chuyên môn để phục vụ chăn nuôi, sản xuất phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, tất cả đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện A Lưới và các xã khó khăn được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo.
Là một trong những hộ dân được hỗ trợ mô hình nuôi gà lai kiến thả vườn, gà đệm lót sinh học, từ xa chúng tôi đã thấy khuôn mặt rạng rỡ, phấn khởi của hộ gia đình ông Võ Khắc Thọ (66 tuổi), trú tại phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy.
Ông Thọ cho biết, kinh tế của gia đình chủ yếu phụ thuộc vào trồng lúa và làm thợ hồ xây dựng.
Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, gia đình ông được hỗ trợ cho đàn gà kiến giống, quá trình thực hiện dự án, ông được cán bộ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và chăm sóc gà, xây dựng thiết kế chuồng trại trên nền đệm lót sinh học, phối giống gà chất lượng,...
“Gia đình tôi cũng như các hộ dân khác thường xuyên được tuyên truyền cách phòng và trị một số bệnh thường gặp trên gà hay mắc phải. Nhờ vậy mà giúp đàn gà phát triển khỏe mạnh và sinh trưởng tốt, chọn được những con gà chất lượng, từ đó thu nhập của gia đình tôi cũng được cải thiện, giúp ổn định cuộc sống hơn”, ông Thọ nói.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, các hộ gia đình tham gia dự án được đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của mình, được kiểm tra, giám sát các nội dung, hoạt động dự án được hỗ trợ; được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, được củng cố nâng cao trình độ, kỹ năng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, dự án cũng giải quyết việc làm, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, nâng cao đời sống, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền bền vững trong những năm tới.
Từ những kết quả trên, có thể thấy rằng, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo từng bước nâng cao đời sống của người dân tại địa phương.