Hỗ trợ 'đường về' cho người sau cai nghiện

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy góp phần củng cố niềm tin cho người sau cai nghiện, gia đình và người dân địa phương. Thông qua các hoạt động hỗ trợ học nghề, vay vốn, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế… giúp người sau cai ổn định cuộc sống, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn Hà Nội.

Đây là đánh giá tại hội nghị đánh giá kết quả triển khai các mô hình quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện ngày 7/12 do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức.

Triển khai hiệu quả hơn nữa công tác dạy nghề sẽ giúp người sau cai nghiện dễ hòa nhập cộng đồng.

Triển khai hiệu quả hơn nữa công tác dạy nghề sẽ giúp người sau cai nghiện dễ hòa nhập cộng đồng.

Nhiều mô hình phát huy hiệu quả

Trên địa bàn Hà Nội, thời gian qua, nhiều mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện đã và đang phát huy được hiệu quả. Với mạng lưới gần 1.800 tình nguyện viên, hoạt động ở 330 xã, phường, thị trấn, “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng” với đội ngũ nòng cốt là Đội công tác xã hội tình nguyện đang là mô hình có nhiều người tham gia nhất. Từ năm 2021 đến nay, các tình nguyện viên đã tiếp cận, tư vấn cho gần 3.300 trường hợp có liên quan đến ma túy. Qua đó chuyển gửi gần 300 người điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, cai nghiện ma túy tự nguyện, điều trị rối loạn tâm thần.

Ngoài ra, lực lượng này còn thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm, giảm lây nhiễm và tác hại của HIV/AIDS, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán… Đáng ghi nhận, các tình nguyện viên, các địa phương đã hỗ trợ 21 người sau cai nghiện ma túy tham gia học nghề để có việc làm, hòa nhập xã hội. Cùng với đó, các tình nguyện viên cũng hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho gần 200 người với nhiều vị trí công việc khác nhau.

Một mô hình điển hình khác cũng cần được nhắc đến nữa là “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng”. Đến nay, mô hình này hình thành ở 36 xã, phường, thị trấn thuộc các quận, huyện: Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Trì... Điểm tư vấn cộng đồng đặt tại Trạm Y tế của xã, phường, thị trấn, hoạt động với phương châm coi người nghiện, người sử dụng ma túy cũng như các trường hợp có nguy cơ cao là “khách hàng”.

Mô hình này có sự tham gia của đại diện các cơ quan chức năng ở cơ sở, tạo sự phối hợp liên ngành trong công tác điều trị cai nghiện ma túy, nên phát huy hiệu quả khá tích cực. Thông qua mô hình điểm tư vấn, các lực lượng chức năng đã tổ chức tư vấn về nhiều mặt cho hơn 2.000 lượt người; giúp 156 người sau cai nghiện ma túy tiếp cận với cơ hội học nghề, có việc làm. Ngoài ra, các điểm tư vấn hỗ trợ khám sức khỏe, điều trị bệnh phổ biến cho hàng trăm lượt người; chuyển gửi 49 người đi cai nghiện tự nguyện…

Cần linh hoạt, hiệu quả công tác dạy nghề

Nói về hiệu quả hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy của các mô hình, Chi cục Phó phụ trách Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Văn Lập cho biết, sau khi thành lập, các địa phương đã thực hiện rà soát, thống kê, lập danh sách người nghiện và sau cai trên địa bàn. Đồng thời, tích cực tổ chức các hoạt động tiếp cận, vận động người sau cai tham gia. “Thông qua các mô hình, nhiều người sau cai nghiện ma túy đã được giúp đỡ, hỗ trợ. Theo đó, 267 người được hỗ trợ tạo việc làm như nghề may, mộc, cơ khí, bảo vệ, bán hàng; 114 người được hỗ trợ vay vốn để sản xuất kinh doanh với tổng số tiền 4.099 triệu đồng; 53 người được hỗ trợ học nghề cắt tóc, làm gốm sứ, bảo vệ, quản lý”, ông Lập cho biết.

Tính đến ngày 14/10/2023, trên địa bàn TP Hà Nội đã duy trì và triển khai 465 mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy tại 450 xã, phường, thị trấn (đạt 129% chỉ tiêu TP giao đến năm 2023). Trong đó có 15 đơn vị cấp xã đồng thời triển khai 2 mô hình tại địa bàn là quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Long Biên. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Tây Nam, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hiệu quả từ các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy là có thể khẳng định được. “Vì thế, các cơ quan chức năng cần chủ động khắc phục những hạn chế, đưa các mô hình hoạt động hiệu quả hơn trong những năm tới”, ông Nguyễn Tây Nam nói.

Đề cập đến quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho rằng, trên địa bàn Hà Nội, công tác dạy nghề tại các cơ sở cai nghiện ma túy và một số mô hình tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy nhận được sự quan tâm sát sao của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, hoạt động tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm cho học viên cai nghiện và sau cai nghiện ma túy còn nhiều khó khăn.

“Để từng bước gỡ vướng, các địa phương và các bên liên quan tiếp tục nhân rộng các điển hình trong vay vốn, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền ở cơ sở quan tâm phát động phong trào toàn dân giúp đỡ, quản lý người nghiện cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Thực tế hiện nay, nhu cầu được dạy nghề tại các cơ sở cai nghiện ma túy và có được việc làm ổn định khi tái hòa nhập cộng đồng là mong muốn của các học viên, là “cầu nối” để họ trở về cuộc sống lành mạnh. Do đó, vấn đề này cần được triển khai sao cho hiệu quả, linh hoạt hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/ho-tro-duong-ve-cho-nguoi-sau-cai-nghien-i716507/