Hỗ trợ giáo dục mầm non vùng đặc biệt khó khăn phát triển
Thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non, tỉnh ta đã ưu tiên nguồn lực hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non ở xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn. Đồng thời, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chi trả cho giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số, góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non trên địa bàn.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành các văn bản về phát triển giáo dục mầm non, như: Nghị quyết số 140/2020/NQ-HĐND ngày 3/9/2020 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trường mầm non và trường phổ thông công lập có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh; kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục mầm non, thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; kế hoạch triển khai giai đoạn 2 Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”...
Đồng thời, chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo huy động nguồn lực, lồng ghép kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình kiên cố hóa trường lớp học, các chương trình, dự án khác và nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, đáp ứng nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân trên địa bàn.
Đến nay, hệ thống trường, lớp học được đầu tư kiên cố, khang trang, đồ dùng, đồ chơi đáp ứng yêu cầu học tập cho trẻ mầm non. Toàn tỉnh có 215 trường mầm non công lập, 14 trường mầm non tư thục, với tổng số gần 97.000 trẻ, trong đó, tỷ lệ trẻ mầm non dân tộc thiểu số chiếm 72,5%. Hiện, đã có 97,3% phòng học được kiên cố hóa, đảm bảo tỷ lệ 1 phòng học/1 nhóm, lớp; 87,2% số lớp có đủ thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng theo quy định; 60,49% sân chơi ngoài trời cho trẻ mầm non có 5 loại thiết bị, đồ chơi ngoài trời trở lên.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo và chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số, trong 2 năm qua, toàn tỉnh đã có trên 91.100 lượt trẻ mầm non được hỗ trợ ăn trưa, với tổng số tiền hơn 97 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 6,7 tỷ đồng tổ chức nấu ăn tập trung cho trẻ em mầm non công lập ở xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn; 3.129 lượt giáo viên được chi trả chính sách hỗ trợ đối với giáo viên dạy lớp ghép, tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số...
Đến thăm Trường mầm non Phiêng Pằn, xã Phiêng Pằn là một trong những trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn, biên giới của huyện Mai Sơn. Trường có 4 điểm trường, gần 900 học sinh. Bà Nguyễn Thị Lựu, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Ở địa bàn xã biên giới, vùng sâu, vùng xa việc huy động trẻ đến trường gặp không ít khó khăn, nhưng từ khi triển khai các chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mầm non tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng lên. Trong 2 năm, đã có trên 1.400 lượt trẻ được hỗ trợ ăn trưa với tổng số tiền gần 1,8 tỷ đồng. Do chưa đủ điều kiện tổ chức nấu ăn bán trú tại trường nên nhà trường chọn phương thức chi trả trực tiếp kinh phí trợ cấp 160.000 đồng/tháng/trẻ cho phụ huynh học sinh, các con chủ động mang cơm đến lớp học. Chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mầm non đã động viên, khích lệ phụ huynh đưa con em đến trường, tỷ lệ ra lớp các năm đều tăng, đạt khoảng 90%.
Sau 2 năm triển khai Nghị định 105/NĐ-CP đã góp phần duy trì, huy động học sinh ra lớp, tạo điều kiện nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn đều có trường mầm non, 99,1% trẻ mầm non đi học đúng độ tuổi, riêng trẻ 5 tuổi đạt 100%. Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nói: Hiện nay, Sở đang phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu trình UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Chính sách này được thông qua sẽ góp phần tích cực hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện một số dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách Nhà nước để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy học cho trẻ
Với việc triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị định 105/NĐ-CP đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục cho trẻ mầm non các vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh, nâng cao tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp; đặc biệt là giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, phụ huynh yên tâm gửi con đến trường, đến lớp.