Hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững
Thực tiễn công tác giảm nghèo ở thị xã Hương Trà cho thấy, người nghèo không chỉ được hỗ trợ 'con cá' mà còn được trao 'cần câu' để thêm động lực và chủ động nỗ lực thoát nghèo bền vững.
![Hỗ trợ sinh kế cho người nghèo được các ban, ngành TX. Hương Trà quan tâm](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_459_51459733/719eacb49bfa72a42beb.jpg)
Hỗ trợ sinh kế cho người nghèo được các ban, ngành TX. Hương Trà quan tâm
Từ hỗ trợ “con cá”
Chương trình hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo trên địa bàn thị xã Hương Trà được đánh giá đạt hiệu quả cao trong hoạt động giảm nghèo của địa phương. Bà Lê Thị Hiết, hộ nghèo ở thôn 1, xã Bình Tiến, là trường hợp đặc biệt khó khăn nhưng đã có cơ hội vươn lên sau khi được hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo của xã. Trước khi nhận bò giống sinh sản, bà được tập huấn quy trình nuôi, chăm sóc, ủ rơm làm thức ăn; đồng thời, được hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi để bò phát triển tốt. Nhờ đó, gia đình bà đã vượt qua giai đoạn khó khăn.
“Xã cấp cho tôi 2 con bò để tạo sinh kế, rất phù hợp với điều kiện lao động của gia đình. Hiện, tôi tiếp tục được xã tạo điều kiện đưa vào danh sách hỗ trợ phát triển trồng trọt, tạo thêm nguồn thu nhập nhằm giúp gia đình thoát nghèo bền vững” - bà Hiết chia sẻ.
Cùng với hoạt động hỗ trợ con giống, UBND thị xã Hương Trà ban hành các quyết định về thực hiện chính sách an sinh xã hội kịp thời, thiết thực và hiệu quả. Năm 2024, thị xã chi trả hàng tháng cho các đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội cho gần 54.000 lượt với hơn 40 tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất cho 3 trường hợp với số tiền 61 triệu đồng; chi hỗ trợ tiền điện cho 1.051 lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, với số tiền gần 173 triệu đồng; hỗ trợ miễn giảm học phí, chi phí học tập với số tiền hơn 880 triệu đồng cho 2.063 hoc sinh khó khăn.
Chính sách hỗ trợ về y tế cũng đã giúp người nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế trên địa bàn tiếp cận thuận lợi hơn với các dịch vụ y tế ngay từ cơ sở. Năm 2024, thị xã Hương Trà thực hiện cấp 336 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho đối tượng thuộc hộ nghèo với số tiền hơn 163 triệu đồng; 850 thẻ BHYT cho đối tượng hộ cận nghèo, số tiền hơn 413 triệu đồng; quản lý và cấp trên 3.586 thẻ BHYT cho đối tượng yếu thế với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Thị xã cũng chi kinh phí hỗ trợ tiền điện hộ nghèo, hộ chính sách xã hội cho 1.051 lượt hộ với số tiền trên 172,6 triệu đồng.
Đặc biệt, thực hiện xã hội hóa, thị xã huy động các nguồn lực từ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Kết quả, đã vận động nguồn lực hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 32 nhà ở, kinh phí 1.085 triệu đồng.
Đến trao “chiếc cần câu”
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà Đỗ Ngọc An, để giúp hộ nghèo có thể vươn lên thoát nghèo là đưa được nguồn vốn ưu đãi đến tay người dân. Năm 2024, trên địa bàn thị xã có 175 lượt hộ cận nghèo vay vốn với số tiền 11.100 triệu đồng. Ngoài ra, hộ mới thoát nghèo, các đối tượng chính sách khác được Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên thông qua chương trình tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn cho 1.672 lượt, với số tiền 91.734 triệu đồng. Tổng dư nợ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác là hơn 429.125 triệu đồng.
Cùng với tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, thị xã Hương Trà còn thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đây được xem là cách trao cho người nghèo “chiếc cần câu”. Trong năm 2024, thị xã đã mở các lớp đào tạo kỹ thuật trồng nấm rơm cho hàng trăm học viên và khai giảng 3 lớp kỹ thuật chăn nuôi lợn, bò, gà cho 61 học viên, nhằm gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Trung tâm GDTX-GDNN thị xã Hương Trà phối hợp mở các lớp dạy nghề cho hàng trăm học viên, trong đó có lớp dạy nghề trang điểm, qua khóa đào tạo trong năm 2024, nhiều học viên sau đó đã mở tiệm làm tóc và trang điểm đạt hiệu quả. Điển hình như chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, ở TDP 3, phường Tứ Hạ, sau khi được tham gia lớp dạy nghề, chị được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay chính sách xã hội 70 triệu đồng để khởi nghiệp với tiệm làm tóc, trang điểm, bước đầu đã giúp chị có công việc ổn định, tạo ra thu nhập cao.
Ông Đỗ Ngọc An cho biết thêm, với quyết tâm cao và cách nhập cuộc tích cực, đồng bộ, đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo ở Hương Trà đã giảm xuống còn 1,07%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Cùng với đẩy mạnh thực hiện các hoạt động “trao chiếc cần câu” cho người nghèo, thị xã Hương Trà đang tiến hành kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác triển khai các mô hình sinh kế và công tác giảm nghèo theo địa chỉ tại các xã, phường để hướng tới mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%.