Hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm: Có hút thêm nguồn tuyển tốt?

Trong bối cảnh ngành sư phạm đứng trước rất nhiều yêu cầu về đổi mới đào tạo, sắp xếp quy hoạch mạng lưới, thu hút người học để tăng chất lượng đào tạo thì việc quy định ngoài hỗ trợ học phí, học sinh, sinh viên sư phạm còn được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường như trong dự thảo nghị định Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm được Bộ GD&ĐT đưa ra để lấy ý kiến được xem là một bước điều chỉnh tích cực. Liệu với chính sách này, ngành sư phạm có thể hút thêm nguồn tuyển?

Theo dự thảo Nghị định, học sinh, sinh viên sư phạm ngoài được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi học sinh, sinh viên sư phạm theo học nhưng tối đa không vượt mức trần học phí theo quy định của Chính phủ còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Sau khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục với thời gian tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo (kể từ ngày được tuyển dụng) sẽ không phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.

Mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt được áp dụng thống nhất trong năm học và hàng năm được điều chỉnh theo tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng thực tế năm trước liền kề với năm học hiện tại do Nhà nước công bố. Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Bên cạnh ưu đãi tài chính trong đào tạo, cần có chính sách tốt hơn đối với giáo viên thì mới thực sự thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Ảnh: Duy Linh

Bên cạnh ưu đãi tài chính trong đào tạo, cần có chính sách tốt hơn đối với giáo viên thì mới thực sự thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Ảnh: Duy Linh

Theo ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ GD&ĐT) thì: “Chính sách không thu học phí (quy định tại Điều 77, Luật Giáo dục 1998, Điều 89 của Luật Giáo dục 2005) được thực hiện hơn 20 năm qua góp phần tích cực trong việc thu hút sinh viên đăng ký vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, thực tế nhiều sinh viên ra trường không làm đúng ngành gây lãng phí ngân sách Nhà nước”.

Theo ông Trần Tú Khánh, kết quả điều tra cho thấy chỉ có khoảng 70% sinh viên sư phạm ra trường làm đúng ngành nghề được đào tạo. Bên cạnh đó, kinh phí cấp chi thường xuyên cho cơ sở đào tạo sư phạm còn hạn chế, trong khi các trường không được thu học phí, dẫn đến thiếu nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, đặc biệt trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.

Để khắc phục những hạn chế của chính sách đã áp dụng suốt thời gian dài, cùng với việc Quốc hội thông qua Luật Giáo dục 2019, đã đến lúc cần thay đổi phương thức hỗ trợ tiền học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm. Bên cạnh đó, Luật cũng đã quy định sinh viên tốt nghiệp ra trường không công tác trong ngành giáo dục phải bồi hoàn kinh phí.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu dự thảo Nghị định được áp dụng sẽ khiến các trường có thêm động lực đổi mới đào tạo, tăng cường đào tạo sư phạm theo cơ chế đặt hàng, đồng thời bản thân học sinh, sinh viên sư phạm yên tâm học tập, không phải lo tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, thu hút được người giỏi vào học ngành sư phạm, xây dựng cơ chế đào tạo gắn với việc sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm 2019, kết quả tuyển sinh đợt 1 có 405.193 thí sinh trong danh sách trúng tuyển, đạt 115,39% chỉ tiêu; nhập học xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia (xét tuyển đợt 1) là 258.870 đạt 73,72% chỉ tiêu THPT quốc gia (năm 2018 đạt 72,40%) và đạt 63,89% so với số trúng tuyển.

Riêng ngành sư phạm, số thí sinh nhập học các ngành đào tạo giáo viên là 27.373. Trong đó, trình độ ĐH là 16.742, đạt 70,89%; trình độ CĐ là 8,537, đạt 46,12%; Trình độ trung cấp là 2.094, đạt 30,34% so với chỉ tiêu (năm 2018, có 24.484 thí sinh nhập học ngành sư phạm). Như vậy nhìn vào con số này, các trình độ trung cấp, CĐ sư phạm đang khó khăn nguồn tuyển. Với các trường ĐH, không phải trường nào cũng có thể tuyển sinh được đủ chỉ tiêu đặt ra. Trong khi quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm vẫn còn chờ phía trước, cơ chế đào tạo theo đặt hàng cũng đang phải làm dần từng bước thì cơ chế về hỗ trợ học phí, hỗ trợ phí sinh hoạt được xem là bước đầu tiên có thể thực hiện được để hút người giỏi vào học sư phạm.

Tuy nhiên, không thể đặt tất cả sự kỳ vọng về việc thu hút người giỏi vào ngành sư phạm chỉ dựa vào chính sách hỗ trợ học phí và phí sinh hoạt như dư thảo Nghị định đưa ra được. Trong các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội về vấn đề thu hút người tài vào ngành đào tạo giáo viên, thì có ý kiến cho rằng: Cần có giải pháp đồng bộ, trong đó, chính sách tốt hơn đối với giáo viên mới là “phần gốc” của vấn đề. Ưu đãi tài chính trong quá trình đào tạo, điều kiện, môi trường làm việc, chế độ lương, ưu đãi trong quá trình công tác và lòng yêu nghề, nhiệt huyết đam mê… mới là tổng hòa tất cả các yếu tố thu hút và giữ chân nhà giáo.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ho-tro-hoc-phi-va-sinh-hoat-phi-cho-sinh-vien-su-pham-co-hut-them-nguon-tuyen-tot-180854.html