Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

Hiện nay, toàn tỉnh có 170.845 hội viên nông dân, sinh hoạt tại 2.191 chi hội. Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân tỉnh (nay là Ban Công tác nông dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) tập trung hỗ trợ kỹ thuật, giống cây, vật nuôi, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, là cầu nối tin cậy, giúp hội viên chuyển đổi sản xuất, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Mô hình trồng cây ăn quả của hội viên nông dân xã Huổi Một.

Mô hình trồng cây ăn quả của hội viên nông dân xã Huổi Một.

Ban Công tác nông dân đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nâng cao chất lượng tư vấn, dịch vụ, dạy nghề, tạo việc làm, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Ông Bạc Cầm Khuyên, Trưởng ban, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Ban đã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 15.494 lượt hội viên; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 1.342 lượt người; hỗ trợ 1.247 hội viên tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, phối hợp nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 1.800 tỷ đồng cho 35.237 hộ vay; Ngân hàng Agribank hơn 1.130 tỷ đồng, với 8.657 hộ vay. Ngoài ra, từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, với hơn 79,2 tỷ đồng, Ban đã triển khai 248 dự án phát triển kinh tế, hỗ trợ cho 1.948 hộ.

Đến bản Dồm, xã Púng Bánh, thăm mô hình kinh tế của hội viên nông dân Vì Văn Hiên, vườn cà phê rộng 4 ha xanh ngát, sai trĩu quả, chuẩn bị cho thu hoạch. Ông Hiên chia sẻ: Năm 2018, gia đình bắt đầu trồng cà phê, được Hội Nông dân hỗ trợ về vốn, kỹ thuật chăm sóc, cà phê phát triển tốt, mỗi năm thu nhập hơn 800 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn ươm hơn 3 vạn bầu giống cây cà phê để bán cho các hộ có nhu cầu, thu về từ 25-30 triệu đồng/năm.

Còn gia đình hội viên Vì Văn Loan ở bản Co Kiểng, xã Huổi Một, trước đây, chủ yếu trồng cây ngô, sắn và lúa nước, thu nhập bấp bênh. Năm 2016, sau khi Hội Nông dân tổ chức cho tham quan, học hỏi mô hình trồng cây ăn quả, ông đã chuyển đổi sang trồng bưởi, cam. Ông Loan cho biết: Nhờ sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật từ Hội Nông dân, tôi dần tích lũy kinh nghiệm chăm sóc cây trồng. Hiện, gia đình có hơn 10 ha cây ăn quả; nuôi 15 con trâu, bò, cho thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm.

 Nông dân bản Nặm Giắt, xã Bình Thuận, thu hái chè.

Nông dân bản Nặm Giắt, xã Bình Thuận, thu hái chè.

Ông Lò Văn Thâm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Huổi Một, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: Toàn xã có 1.166 hội viên nông dân, sinh hoạt tại 27 chi hội. Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế phù hợp, Hội phối hợp với doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phục vụ sản xuất; vận động liên kết sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa. Hiện nay, có 281 hội viên được vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, tổng dư nợ gần 7 tỷ đồng; hội viên đang tập trung chăm sóc 800 ha cây ăn quả, chủ yếu là nhãn; hơn 1.400 ha sắn; 1.000 ha ngô; 21.800 con gia súc; gia cầm và hơn 200 ha cây quế.

Tiếp tục hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Ban Công tác nông dân tập trung đổi mới phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”; đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư chất lượng; hỗ trợ kết nối thị trường, tiêu thụ nông sản qua hệ thống siêu thị, chợ đầu mối. Đồng thời, triển khai mô hình “Lấy nông dân dạy nông dân” và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Phấn đấu đến hết năm 2025, đào tạo nghề cho 1.000 hội viên; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 2.000 lượt người; vận động 30.000 hội viên tham gia HTX, tổ hợp tác; cung ứng 350 tấn phân bón trả chậm và có 26.300 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/ho-tro-hoi-vien-phat-trien-kinh-te-U4Yo3asHR.html