Phản ứng của thị trường tài chính khi hạn chót thuế quan của Mỹ cận kề
Hạn chót về chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cận kề, nhưng thị trường tài chính toàn cầu lại tỏ ra bình thản một cách đáng ngạc nhiên. Dường như nhà đầu tư đã sẵn sàng cho các kịch bản ôn hòa mà họ tin rằng đã được phản ánh vào giá.

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn chót của giai đoạn "đình chiến" thương mại 90 ngày. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết những bức thư đầu tiên phác thảo các mức thuế quan sẽ được gửi đến 12 quốc gia vào ngày 7/7 (theo giờ địa phương). Dù vậy, giới đầu tư dự báo tình trạng bất ổn sẽ còn kéo dài vì họ cho rằng ông Trump khó có thể hoàn tất thỏa thuận với tất cả các đối tác trong tuần tới.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư không tỏ ra quá lo lắng.
Ông Jeff Blazek, đồng giám đốc đầu tư tại công ty quản lý đầu tư Neuberger Berman nhận định rằng tâm lý thị trường đã vững vàng hơn nhiều trước các tin tức về thuế quan. Theo ông, thị trường dường như tin rằng có đủ sự "linh hoạt" trong các thời hạn chót và các kịch bản tồi tệ nhất đã được loại bỏ.
Trên thực tế, cả mức thuế và ngày có hiệu lực đều đã trở thành những mục tiêu không cố định. Ông Trump hôm 4/7 cho biết các mức thuế lên tới 70% có thể có hiệu lực vào ngày 1/8, cao hơn nhiều so với khoảng 10%-50% mà ông đã công bố vào tháng Tư.
Dù vậy, Chính phủ Mỹ mới chỉ đạt được một thỏa thuận hạn chế với Anh và một thỏa thuận trên nguyên tắc với Việt Nam, trong khi đàm phán với các đối tác lớn như Ấn Độ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đều gặp trở ngại.
Bất chấp điều đó, chứng khoán thế giới vẫn đang ở mức cao kỷ lục sau khi tăng 11% kể từ ngày 2/4. Ông Rong Ren Goh, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý quỹ Eastspring Investments ví von rằng nếu "Ngày Giải phóng" (2/4) là một trận động đất, thì các lá thư thuế quan lần này sẽ chỉ là những "dư chấn" và không còn tác động mạnh đến thị trường.
Ông giải thích rằng hệ thống tài chính hiện nay ngập tràn thanh khoản đến mức việc bán tháo tài sản là rất rủi ro. Bài học từ tháng Tư cho thấy nhiều người đã phải vội vã mua đuổi theo đà phục hồi không ngừng của thị trường.
Bên cạnh đó, sự chú ý của nhà đầu tư còn bị phân tán bởi các yếu tố khác, như gói chi tiêu và thuế khổng lồ của ông Trump vừa được ký thành luật. Thị trường chứng khoán đã phản ứng tích cực với thông tin này, với chỉ số S&P 500 và Nasdaq lập đỉnh mới vào ngày 4/7.
Tuy nhiên, rủi ro lạm phát từ thuế quan đã gây áp lực lên trái phiếu Kho bạc Mỹ và đồng USD, đồng thời làm thay đổi kỳ vọng về chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Những dự báo của thị trường về chính sách của Fed đã thay đổi đáng kể. Các nhà giao dịch không còn tin Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng này, chỉ dự đoán có tổng cộng hai đợt giảm nhẹ vào cuối năm.
Vị thế trú ẩn của đồng USD cũng bị ảnh hưởng. Chỉ số USD, một thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ các tiền tệ khác, đã có nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1973 khi giảm khoảng 11%. Chỉ tính riêng từ ngày 2/4, chỉ số này đã giảm tới 6,6%.
Ông John Pantekidis, Giám đốc đầu tư tại công ty đầu tư tư nhân TwinFocus cho rằng thị trường đang kỳ vọng một mức thuế chung trên diện rộng chỉ khoảng 10% thay vì các kịch bản tồi tệ hơn như mức thuế 35-40%.
Ông cũng tỏ ra lạc quan một cách thận trọng về chứng khoán Mỹ, nhưng nhấn mạnh rằng lãi suất là biến số cần theo dõi chặt chẽ nhất. Hiện tại, ông Pantekidis nhận định lãi suất sẽ giảm trong nửa cuối năm. Song vị chuyên gia cũng cảnh báo nếu thị trường trái phiếu lo ngại về gói chi tiêu mới và đẩy lãi suất lên, kịch bản sẽ hoàn toàn khác.