Hỗ trợ lãi suất 2%: Xây dựng chính sách đã khó, triển khai thực hiện còn khó hơn
Việc xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra đã khó, nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện còn khó hơn. Do đó, để chính sách đi vào cuộc sống cả hệ thống cần phải vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả.
Xây dựng văn bản hỗ trợ lãi suất 2% là "khó làm nhất"
Chiều 6/7, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định số 31/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại.
Dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Dư luận thường gọi chương trình là gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng (thực tế là 347.000 tỷ, tương đương khoảng 15 tỷ USD) để nâng cao năng lực của hệ thống y tế, kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế; giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Trong số này, có gói 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi xuất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại, thực hiện trong 2 năm.
Phó Thủ tướng cho biết, để triển khai gói hỗ trợ này, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, ngân hàng thương mại nghiên cứu xây dựng Nghị định hướng dẫn.
Trong số các văn bản hướng dẫn triển khai các nội dung của Nghị quyết 43/2022/QH15 thì văn bản này "khó làm nhất". Sau nhiều cuộc họp, có lúc tranh luận "nảy lửa", ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cùng ngày Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN để hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện Nghị định 31.
Phó Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với các bộ, ngành liên quan đã xây dựng chính sách công phu, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế, khắc phục được những bất cập của các chính sách đã làm trước đó… để hôm nay tổ chức Hội nghị phổ biến, tổ chức triển khai thực hiện đưa chính sách vào cuộc sống.
Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu của các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, ngân hàng thương mại đều cơ bản đồng tình với chương trình. Những khó khăn, vướng mắc cũng được các đại biểu nêu lên để các bộ ngành giải đáp. Mục tiêu là để tổ chức thực hiện thật tốt gói hỗ trợ này trong thời gian đề ra.
"Mạch máu của nền kinh tế không được tắc nghẽn"
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh thêm một số nội dung:
Thứ nhất, tại phiên họp thường kỳ 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã đánh giá: Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng qua 6 tháng đầu năm, đất nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực: Dịch bệnh được kiểm soát; kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn được đảm bảo; kết quả sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành nghề, dịch vụ rất đáng phấn khởi; an ninh, quốc phòng ổn định; hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm của quốc tế đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả Việt Nam đã đạt được…
Theo Phó Thủ tướng, để đạt được những kết quả nêu trên là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương, sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trong đó, có sự đóng góp rất lớn của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, ngành cả hệ thống ngân hàng đã có nhiều chính sách về tiền tệ phù hợp, dành một nguồn lực rất lớn để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao kết quả huy động vốn của hệ thống ngân hàng (tăng khoảng 4,51%), tín dụng tăng 9,35% so với năm 2021 (tăng cao hơn cùng kỳ 2019 – trước khi diễn ra dịch bệnh), tạo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhờ đó GDP quý II đạt 7,72%, 6 tháng đạt 6,42%.
Nêu ý kiến về tăng trưởng tín dụng như: "có thắt chặt hay không?"; "có nới room hay không?", "ảnh hưởng tới lạm phát như thế nào?"… Phó Thủ tướng nêu rõ: Mức tăng trưởng tín dụng những năm qua nhìn chung là không thay đổi. Còn đối với từng ngân hàng thương mại thì Ngân hàng Nhà nước phải đánh giá cụ thể.
Thời gian sắp tới Ngân hàng Nhà nước cũng cần bám sát tình hình thực tế để điều hành tín dụng phù hợp trên tinh thần "mạch máu của nền kinh tế không được tắc nghẽn", đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo thanh khoản và an toàn hệ thống. Phải thông tin công khai, minh bạch, trung thực trên báo chí, truyền thông cho nhân dân, doanh nghiệp hiểu, đồng thuận.
Triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% qua các ngân hàng thương mại là phù hợp
Về gói hỗ trợ lãi suất, Phó Thủ tướng cho rằng, chính sách này không phải là chính sách mới, các nước cũng làm. Việt Nam cũng đã từng triển khai từ năm 2008-2009, nhưng khi đó chúng ta không sử dụng ngân sách nhà nước để giảm lãi suất.
Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước không thể dùng chỉ đạo hành chính để chỉ đạo các ngân hàng thương mại (hoạt động theo thị trường) giảm lãi suất.
Chính vì vậy, việc sử dụng ngân sách nhà nước thông qua các ngân hàng thương mại để hỗ trợ 2% lãi suất cho những đối tượng chịu tác động của đại dịch COVID-19 là rất phù hợp.
Về cái chung, khi chính sách đi vào cuộc sống sẽ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh "khỏe lên", giảm chi phí sản xuất, góp phần giúp phục hồi năng lực sản xuất, đảm bảo cung cầu. Nếu chúng ta thực hiện tốt chính sách này sẽ góp phần đảm bảo đủ nguồn cung thì sẽ bảo đảm được giá cả, tạo điều kiện để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Khách hàng "khỏe lên", ngân hàng cũng tốt
Đối với các ngân hàng, Phó Thủ tướng phân tích: Chúng ta triển khai gói hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại bởi "không ai hiểu doanh nghiệp, hiểu khách hàng bằng ngân hàng. Không tổ chức nào có hệ thống với đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp cho việc này bằng ngân hàng thương mại.
Triển khai chính sách này ngân hàng thương mại cũng tốt mà nhà nước bỏ tiền ra cho vay đúng đối tượng cũng yên tâm, các doanh nghiệp, người dân cũng được thụ hưởng".
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Các ngân hàng thương mại triển khai nhiệm vụ này không chỉ có ý nghĩa đối với công việc chung của đất nước mà còn có ý nghĩa với chính mỗi ngân hàng. Thay vì thu lợi nhuận từ khách hàng, các ngân hàng thương mại tham gia triển khai chính sách của nhà nước, qua đó giúp cho khách hàng của mình "khỏe lên", gắn bó hơn với ngân hàng hơn, hoạt động của ngân hàng cũng tốt hơn. Điều này không chỉ là trách nhiệm mà còn là lợi ích thiết thực của mỗi ngân hàng thương mại.
Qua đây, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự đồng tình ủng hộ, cũng nhưng sự chủ động vào cuộc của các ngân hàng trong triển khai chính sách.
Theo dõi sát sao, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đưa chính sách vào cuộc sống
Về triển khai kế hoạch, Phó Thủ tướng nêu rõ: Nghị quyết 43 của Quốc hội đã quy định tổng mức gói hỗ trợ, trong đó gói này là 40.000 tỷ đồng. Hiện các ngân hàng đã đăng ký vượt mức. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tính toán điều phối theo thứ tự ưu tiên để việc triển khai chính sách đạt được hiệu quả cao nhất, theo mức Quốc hội cho phép.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong chức năng, nhiệm vụ được giao phải triển khai thực hiện chính sách công khai, minh bạch, rõ ràng. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì trao đổi, đề xuất để kịp thời tháo gỡ. Đối với những đề nghị của ngân hàng thương mại, hiệp hội ngành nghề nêu tại hội nghị, Phó Thủ tướng giao các bộ ngành tiếp thu, nghiên cứu để có giải pháp xử lý phù hợp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc xây dựng chính sách đã khó nhưng việc thực hiện còn khó hơn. Chúng ta mới đang ở những bước đầu tiên là phổ biến, tuyên truyền về chính sách; thời gian thực hiện là đến hết năm 2023 và việc triển khai cũng không hề dễ dàng.
Vì vậy, để đưa chính sách vào cuộc sống, Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo sát sao, thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả; cùng với các ngân hàng thương mại, hiệp hội ngành nghề nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, đảm bảo thực hiện theo đúng các mục tiêu đề ra.
Cả hệ thống đồng lòng, vào cuộc đồng bộ, chương trình sẽ thành công
Đối với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng,… Phó Thủ tướng yêu cầu: Tiếp tục hướng dẫn rõ các đối tượng thụ hưởng; trình tự, quy trình triển khai; bảo đảm kinh phí thực hiện; hướng dẫn tổng hợp, quyết toán chặt chẽ đúng pháp luật; đôn đốc các địa phương tổng hợp công bố các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành, địa phương để triển khai công tác thông tin, tuyên truyền để chính sách được thực hiện đúng, hiệu quả.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: "Doanh nghiệp mạnh lên, tỉnh mới phát triển", do vậy các tỉnh phải sớm công bố các dự án nhà ở thuộc diện chương trình hỗ trợ; phối hợp với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp xử lý các khó khăn vướng mắc.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của các ngân hàng thương mại trong quá trình triển khai chính sách, Phó Thủ tướng đề nghị nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời thông tin, trao đổi để các cơ quan chức năng tháo gỡ theo thẩm quyền.
Phó Thủ tướng đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương, cũng như các cơ quan thuộc hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường nắm bắt tình hình, kiểm tra, giám sát, phản biện, phản ánh khó khăn vướng mắc, tham gia tuyên truyền để cùng với cẩ hệ thống triển khai chương trình hiệu quả, theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ tin tưởng với sự quyết tâm cao, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống, chương trình sẽ được thực hiện thành công./.