Hỗ trợ, nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP

Thông qua các dịp hội thảo, hội nghị trong và ngoài tỉnh, sản phẩm OCOP của các chủ thể được giới thiệu nhiều hơn đến người tiêu dùng. Ảnh: NGỌC HÂN

Thời gian qua, các ngành chức năng luôn tích cực đồng hành, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất (gọi chung là chủ thể) xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, qua đó góp phần khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp ở các địa phương.

Nỗ lực đồng hành cùng chủ thể

Qua gần 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn tỉnh có 118 sản phẩm OCOP của 58 chủ thể đạt từ 3 sao trở lên; trong đó có 13 HTX nông nghiệp, chiếm 22%; 11 doanh nghiệp, chiếm 10% và 34 hộ kinh doanh, chiếm 59%. Để có được kết quả này, thời gian qua, cùng với nỗ lực của các chủ thể OCOP, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các tổ chức, HTX, đơn vị trực tiếp làm ra các sản phẩm OCOP.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên, thực hiện yêu cầu của tỉnh là tăng cường đồng bộ các biện pháp hỗ trợ chủ thể tham gia Chương trình OCOP, các ngành, địa phương thường xuyên đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, các chủ thể về mục đích, ý nghĩa của chương trình. Qua đó, các chủ thể nhận thấy được lợi ích, hiệu quả của việc phát triển các sản phẩm theo chuẩn, tiêu chí OCOP và tích cực tham gia.

“Ngoài việc vận động, khuyến khích tham gia chương trình, nhất là sản phẩm sẵn có, các ngành còn hỗ trợ chủ thể định hình sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương đăng ký tham gia phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là đối với các địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) và các địa phương đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đồng thời hỗ trợ các chủ thể sản xuất đạt theo tiêu chuẩn, xây dựng nhãn hiệu, bao bì và thực hiện hồ sơ, thủ tục để được công nhận sản phẩm OCOP, cũng như nâng hạng sao cho sản phẩm. Ðẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng bằng nhiều kênh tiêu thụ”, ông Thắng cho hay.

Bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Trưởng phòng Kinh tế TX Đông Hòa, cho biết: “Đông Hòa đang tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn gắn với Chương trình OCOP, liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó có từ 5-10 sản phẩm của các địa phương đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Mới đây, địa phương đã hỗ trợ 3 chủ thể mua sắm, lắp đặt máy móc, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; đồng thời tư vấn cho các chủ thể thiết kế lô gô, bao bì đóng gói sản phẩm ấn tượng, bắt mắt để thu hút khách hàng”.

Nâng chất sản phẩm được công nhận

Theo nhận định của các chủ thể có sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao, Chương trình OCOP thực sự là làn gió mới để các làng nghề, HTX, doanh nghiệp ở các địa phương trong tỉnh khai thác tiềm năng, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm.

Với nhiều chủ thể, những nỗ lực và cố gắng ban đầu khi xây dựng sản phẩm OCOP đã tạo nền tảng giúp các đơn vị, doanh nghiệp từng bước nâng giá trị nông sản địa phương. Bà Trần Thị Về, chủ cơ sở sản xuất muối ở xã Xuân Bình (TX Sông Cầu), cho hay: “Từ khi tham gia Chương trình OCOP, tôi được địa phương hỗ trợ về thủ tục, giấy tờ, kiểm nghiệm… Đến nay, 2 sản phẩm muối hạt sạch, muối hầm sạch của cơ sở đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, đây là cơ hội để chúng tôi quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường ra khắp cả nước. Ngoài ra, Phòng Kinh tế thị xã còn giới thiệu cơ sở tham gia các hội chợ triển lãm của tỉnh, khu vực, hội nghị xúc tiến đầu tư. Điều này giúp chúng tôi có nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm ngày càng rộng rãi hơn”.

Ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, cho biết: Thành phố hiện có 22 sản phẩm được công nhận OCOP. Để đẩy mạnh chương trình, trước mắt thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ và người dân, nhất là chủ thể sản xuất để hiểu rõ về lợi ích, giá trị kinh tế tích cực trong thực hiện Chương trình OCOP. Qua đó kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương.

Để đẩy mạnh Chương trình OCOP, tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP, tham gia đánh giá phân hạng; kiểm tra định kỳ về tiêu chuẩn, chất lượng các sản phẩm OCOP. Tỉnh xác định sản phẩm OCOP là nội dung quan trọng của tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 150 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Trọng Tùng

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/306759/ho-tro-nang-cao-nang-luc-cho-chu-the-ocop.html