Hỗ trợ ngành xi-măng 'vượt sóng'

Nguồn cung vốn đã dư thừa lớn, trong khi sức tiêu thụ giảm cả ở trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi đà phục hồi của thị trường bất động sản mới le lói một số tín hiệu tích cực... Đây là những yếu tố đã và đang tác động tiêu cực đến ngành xi-măng cho dù các đơn vị đã chủ động kịch bản ứng phó.

Xuất hàng qua đường thủy tại Công ty xi-măng VICEM Hoàng Thạch.

Xuất hàng qua đường thủy tại Công ty xi-măng VICEM Hoàng Thạch.

Năm 2023 lần đầu tiên nhiều đơn vị sản xuất xi-măng báo lỗ trong lịch sử hơn 120 năm hình thành và phát triển ngành. Đến hết quý I/2024, số lỗ của các doanh nghiệp này tuy có giảm, nhưng vẫn rất bấp bênh, thậm chí một số đơn vị có thể bị phá sản.

Áp lực rất lớn

Theo báo cáo của Hiệp hội Xi-măng Việt Nam, hiện nay, cả nước có 61 nhà máy xi-măng đang hoạt động với tổng công suất thiết kế khoảng 120 triệu tấn xi-măng, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi-măng trong nước dự báo khoảng 58-59 triệu tấn, tăng khoảng từ 2,4-4,5% so với năm 2023, dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nhiều công ty tiếp tục phải giảm năng suất hoặc dừng lò nung. Giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi-măng vẫn duy trì ở mức cao, giá bán lẻ điện dự báo tiếp tục tăng, trong khi giá bán xi-măng trên thị trường vẫn ở mức thấp, chưa thể bù đắp được mức tăng chi phí đầu vào.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu ngày càng thu hẹp khi Trung Quốc chuyển từ nước nhập khẩu sang xuất khẩu xi-măng, clanh-ke; cạnh tranh xuất khẩu gay gắt với nguồn xi-măng, clanh-ke dư thừa từ Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Thái Lan... Tính đến hết tháng 4/2024, tổng sản lượng sản xuất clanh-ke và xi-măng toàn quốc đạt khoảng 30 triệu tấn, tiêu thụ 28 triệu tấn; trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 17,1 triệu tấn, tiếp tục suy giảm khoảng 6% so cùng kỳ năm 2023.

Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung phân tích, đầu ra của ngành xi-măng tập trung chủ yếu vào đầu tư công, bất động sản và xây dựng dân dụng, trong đó, đầu tư nhà nước đóng vai trò quan trọng, dẫn dắt các lĩnh vực khác cùng phát triển. Tuy nhiên, hai năm gần đây, không có nhiều dự án công nghiệp lớn được triển khai ngoài các dự án giao thông sử dụng xi-măng không nhiều. Ngành xi-măng đã đầu tư cho sản xuất theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ duyệt, trên cơ sở dự báo nhu cầu của các ngành, của đất nước, nhưng việc triển khai các dự án trên thực tế còn chậm, dẫn đến tiêu thụ xi-măng thấp.

Nhìn sang Trung Quốc, trong mấy thập kỷ gần đây, tiêu thụ xi-măng bình quân đầu người khoảng 1.600-1.700 kg/người, trong khi đó ở Việt Nam chỉ tiêu thụ khoảng 600 kg/người. Điều này cho thấy, dư địa phát triển xi-măng còn lớn, nếu nâng được mức tiêu thụ lên 1.000 kg/người thì ngành xi-măng sẽ duy trì ổn định và tăng trưởng tốt. “Nếu không có đầu ra thì không sản xuất được và đây mới là phần gốc. Nhưng đặt vấn đề ngược lại, nếu đầu tư cho sản xuất xi-măng mà không đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến thiếu nguồn cung, sốt giá thì ai chịu trách nhiệm”, ông Cung nêu nhận xét.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xi-măng Việt Nam (VICEM) Nguyễn Thanh Tùng, trước tình hình sản xuất, kinh doanh hết sức khó khăn, VICEM và các công ty thành viên đã triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trong quản lý hoạt động; nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng tâm vượt khó, nỗ lực, cố gắng trên tất cả các lĩnh vực, qua đó đã duy trì việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động.

Trong quá trình quản lý điều hành, VICEM đã nhận định, dự báo trước những khó khăn nêu trên nên linh hoạt, chủ động huy động năng suất lò nung bám sát thực tế thị trường; tập trung nghiên cứu, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật, đổi mới sáng tạo trong sản xuất (sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế) giúp tiết giảm chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đối với các đơn vị xi-măng tư nhân, áp lực cạnh tranh cũng khá gay gắt, thậm chí xuất hiện tình trạng đua nhau giảm giá để có dòng tiền bảo đảm sản xuất, kinh doanh. Phó Tổng Giám đốc sản xuất Công ty Xi-măng Thành Thắng Nguyễn Quang Điển cho biết, các dây chuyền của công ty vẫn vận hành đủ công suất, nhưng sức tiêu thụ đã giảm khá mạnh, nhất là thị trường trong nước khi nhiều đơn vị xi-măng khác sẵn sàng giảm giá bán.

Công ty phải tìm đầu ra qua xuất khẩu nhưng cũng gặp khó khăn do giá bán còn cao và phải chịu nhiều loại chi phí. Vừa qua, Hiệp hội Xi-măng Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ và các bộ có liên quan loại bỏ clanh-ke, xi-măng khỏi nhóm hàng hóa xuất khẩu chịu thuế theo quy định tại Nghị định 26/2023/NĐ-CP và áp dụng mức thuế xuất khẩu clanh-ke, xi-măng bằng 0%, đồng thời đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội bãi bỏ thuế xuất khẩu clanh-ke, xi-măng. “Điều này rất có ý nghĩa và cần có lộ trình rõ ràng cho đến khi thị trường ấm lại, góp phần giúp các doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay”, ông Điển bày tỏ.

Cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ

Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung cho biết, hiện nay, doanh nghiệp xi-măng chưa nhận được hỗ trợ gì đáng kể, trong khi vẫn cần nguồn lực để duy trì sản xuất, duy tu bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp xi-măng, ưu tiên các doanh nghiệp xi-măng được vay vốn lưu động; chỉ đạo các cơ quan nhà nước liên quan có chính sách khuyến khích về tài chính, thủ tục, thuế, phí đối với việc đầu tư, vận hành các thiết bị đồng xử lý, tái chế các chất thải trong nhà máy sản xuất xi-măng... Đáng chú ý, việc ban hành các chính sách ưu đãi hướng tới phát triển bền vững, phù hợp xu thế đối với ngành xi-măng rất cần thiết, trong đó cần có quy định ưu đãi để đầu tư hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện, góp phần tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Các doanh nghiệp sản xuất xi-măng đã chủ động nhiều giải pháp tăng cường hiệu quả trong sản xuất. Chánh Văn phòng VICEM Hoàng Thạch Lưu Mạnh Hào cho biết, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, định hướng của Tổng công ty, đơn vị đã triển khai công tác chạy lò liên tục, bảo đảm tiết kiệm tối đa chi phí.

Cụ thể, các dây chuyền, thiết bị của công ty hạn chế hoặc giảm hoạt động trong giờ cao điểm hằng ngày, giúp giảm chi phí điện năng. Cải tạo lò nung để đốt được nhiều loại than rẻ, nhiệt lượng thấp hơn, trước đây là than cám 4C, hiện nay là than cám 5B, 5C; đẩy mạnh sử dụng thạch cao nhân tạo, lên đến 80% để phối trộn ra các sản phẩm xi-măng... Những giải pháp nêu trên đã giúp đơn vị tiết kiệm hàng chục tỷ đồng trong thời gian qua.

Phó Tổng Giám đốc VICEM Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm, Tổng công ty luôn đôn đốc, yêu cầu các công ty thành viên tiếp tục bám sát tình hình thực tế, xây dựng các kịch bản và linh hoạt lựa chọn phương án chạy lò hiệu quả nhất, không phát sinh thêm clanh-ke đổ ra bãi; thực hiện tiết kiệm, bảo đảm hiệu quả và tuân thủ các quy trình, quy định trong việc sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị nhằm duy trì sản xuất ổn định.

Đối với các công ty dừng lò nung, phải kết hợp với bảo dưỡng, sửa chữa bảo đảm thiết bị ở trạng thái tốt nhất, sẵn sàng hoạt động ổn định, phát huy công suất khi nhu cầu tiêu thụ tăng. Tăng cường sử dụng các loại nguyên, nhiên liệu thay thế, tro, xỉ, thạch cao nhân tạo… trong sản xuất clanh-ke và xi-măng nhằm sử dụng tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, đồng thời đáp ứng các mục tiêu về hiệu quả kinh tế, các chỉ tiêu về môi trường theo quy định.

Về tiêu thụ, VICEM tập trung bám sát diễn biến thị trường của từng địa bàn, đánh giá hiệu quả từng chủng loại sản phẩm, xây dựng giá bán và chính sách bán hàng linh hoạt để tăng sản lượng, thị phần; rà soát, cơ cấu lại hệ thống phân phối, tìm kiếm, bổ sung thêm nhà phân phối tại một số địa bàn có sản lượng, thị phần thấp.

Tuyệt đối không tiêu thụ sản phẩm với giá thu về (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) thấp hơn chi phí biến đổi trong giá thành toàn bộ. Chủ động tiếp cận để tiêu thụ xi-măng vào các công trình, dự án đầu tư công khi Chính phủ đang nỗ lực giải ngân nguồn vốn cũng như tháo gỡ thủ tục đầu tư. Duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống, cũng như bám sát biến động về nhu cầu nhập khẩu, thông tin thị trường để đề xuất giải pháp xuất khẩu khi thị trường trong nước dư thừa...

Theo TS Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), Bộ đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Xi-măng Việt Nam để chỉ đạo các cơ sở sản xuất xi-măng triển khai áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật phát huy công suất thiết kế các dây chuyền, giảm chi phí sản xuất, góp phần giảm giá thành sản phẩm; đẩy mạnh triển khai dự án tận dụng nhiệt thừa khí thải trong các nhà máy xi-măng để sản xuất điện; tận dụng nguồn chất thải của các ngành công nghiệp làm nguyên liệu, nhiên liệu cho ngành xi-măng nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư và bảo đảm môi trường.

Đồng thời, Bộ Xây dựng đã xây dựng, hoàn thiện và được Chính phủ trình Quốc hội ban hành các Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với nhiều cơ chế, chính sách để tạo điều kiện phát triển thị trường bất động sản bền vững, đẩy mạnh triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Từ đó, các dự án bất động sản sẽ được thúc đẩy triển khai mạnh mẽ hơn, giúp nâng cao tiêu thụ các chủng loại vật liệu xây dựng trong đó có xi-măng trong thời gian tới.

Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê-tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, nhất là tại những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi-măng trong xây dựng đường bộ để nâng cao chất lượng, tuổi thọ đường, đồng thời sử dụng nguồn xi-măng trong nước.

UBND các địa phương tăng cường sử dụng đường bê-tông xi-măng cho xây dựng đường nông thôn, miền núi và đường tại những vùng thường xuyên ngập lụt. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp xi-măng cần nắm bắt diễn biến thị trường để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tiêu thụ. Đây là các giải pháp căn cơ nhất để duy trì ổn định phát triển ngành xi-măng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ho-tro-nganh-xi-mang-vuot-song-post811938.html