Hỗ trợ người dân 2 huyện nghèo nhất Bắc Kạn tiếp cận cơ hội việc làm ổn định

Năm 2024, Bắc Kạn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, việc làm, nước sạch, thông tin.

Pác Nặm là một trong hai huyện nghèo của tỉnh Bắc Kạn, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2023 dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao nhất tỉnh (49,26%). Huyện quyết tâm năm nay giảm thêm tối thiểu 4% tỷ lệ hộ nghèo dù mục tiêu này không dễ thực hiện.

Xác định việc làm là dịch vụ xã hội cơ bản mà người lao động nông thôn địa phương cần được tăng tốc tiếp cận, huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Thông tin từ UBND huyện Pác Nặm, 6 tháng đầu năm 2024, địa phương đã giải quyết việc làm cho 1.686 lao động, đạt 129,6% kế hoạch; tạo việc làm mới cho 676 lao động.

Năm 2024, huyện Pác Nặm đặt mục tiêu duy trì tạo việc làm cho 1.300 lao động trở lên, trong đó tạo việc làm mới cho 450 lao động trở lên. Theo đó, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành đoàn thể phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các xã và các doanh nghiệp tuyển lao động tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương.

Từ đầu năm đến nay, huyện đã phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề và bố trí việc làm tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản trên địa bàn 8 xã; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các công ty, tập đoàn tổ chức 6 gian hàng tư vấn, truyền thông về giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động tại Lễ hội Mù Là năm 2024 với hơn 1.800 lượt người nghe và hơn 150 người được tư vấn.

22 lớp đào tạo nghề được huyện tổ chức, thu hút trên 760 học viên tham dự, với các nghề: Nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; nuôi và phòng trị bệnh cho gà, thủy cầm; trồng và khai thác rừng; chế biến món ăn; kỹ thuật xây dựng... Huyện đã và đang tổ chức đào tạo nghề thường xuyên dưới 3 tháng cho lao động nông thôn với tổng số 24 lớp nghề cho 624 học viên từ nguồn kinh phí của các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Thông qua các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề đã giải quyết việc làm cho 1.686 lao động, đạt 129,6% kế hoạch, tạo việc làm mới cho 676 lao động. Trong số này, nhiều lao động là nhân khẩu thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Trong đó, lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh 1.178 lao động; xuất khẩu lao động ở nước ngoài 162 lao động. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, huyện đã giải quyết việc làm cho 241 lao động.

Các địa phương miền núi phía Bắc đang triển khai các giải pháp chăm lo cho người nghèo, trong đó có trẻ em thuộc hộ nghèo.

Các địa phương miền núi phía Bắc đang triển khai các giải pháp chăm lo cho người nghèo, trong đó có trẻ em thuộc hộ nghèo.

Được đào tạo, có việc làm là cách thức bền vững để người dân có "vốn liếng" vươn lên, dần thay đổi ý thức trông chờ, ỷ lại. Thời gian tới, huyện Pác Nặm tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên thanh niên, người lao động, bộ đội xuất ngũ... gắn với nhu cầu tuyển dụng; tăng cường công tác đào tạo nghề, tư vấn, hỗ trợ việc làm để người dân thoát nghèo bền vững.

Trên toàn tỉnh Bắc Kạn, song song với tập trung triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo và Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là việc hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, việc làm, nước sạch và vệ sinh, thông tin...).

Tại huyện nghèo Ngân Sơn, nơi tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2023 gần 44% (cao thứ 2 tỉnh), UBND huyện cho biết năm 2024 tiếp tục thực hiện tốt các chính sách như: Hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm tăng thu nhập cho người nghèo; song song hỗ trợ các chiều dịch vụ mà người nghèo đang thiếu hụt như y tế, giáo dục và đào tạo, nhà ở, điện nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường...

Tại huyện này, 6 tháng đầu năm 2024, số tiền cho vay trên địa bàn huyện đạt hơn 50 tỷ đồng, với gần 800 hộ vay vốn. Đến nay, nguồn vốn tín dụng ưu đãi giúp cho hơn 2.700 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và trên 1.000 hộ gia đình tại vùng khó khăn có vốn đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Từ nguồn vốn tín dụng, hơn 780 lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn giải quyết việc làm; 68 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hơn 230 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng, cải tạo và sửa chữa nhà ở; xây dựng và cải tạo hơn 2.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh...

Một phương thức để chăm lo chiều thiếu hụt việc làm, tăng thu nhập cho người dân nghèo là đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Năm 2024, huyện Ngân Sơn huy động và được bố trí gần 7 tỷ đồng, tính đến tháng 7, 10/10 dự án đã thẩm định. Tuy nhiên do tình hình dịch tả lợn châu Phi, các dự án chăn nuôi lợn đang tạm dừng thực hiện để theo dõi diễn biến dịch bệnh, chưa giải ngân.

Để giải quyết những khó khăn đối với dự án chăn nuôi lợn do dịch bệnh, huyện Ngân Sơn chỉ đạo UBND các xã, thị trấn theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đề xuất phương án thực hiện (điều chỉnh dự án nếu dịch bệnh không có chiều hướng tích cực). Tuyên truyền, vận động người dân tham gia dự án chuẩn bị các điều kiện như chuồng trại, đất đai…để sẵn sàng triển khai được ngay khi dịch bệnh kết thúc hoặc khi được cấp cây giống.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/giup-nguoi-dan-2-huyen-ngheo-nhat-bac-kan-tiep-can-co-hoi-viec-lam-on-dinh-2321656.html