Hỗ trợ nhau trong hành trình khởi nghiệp
Muốn xa thì nên đi cùng nhau. Đây là tiêu chí hoạt động của các đội, nhóm nữ doanh nhân hỗ trợ nhau khởi nghiệp.
Rào cản từ định kiến xã hội
Thương trường như chiến trường, nhưng khởi nghiệp còn là chiến trường “sinh tử” khốc liệt hơn. Đặc biệt, những người phụ nữ khởi nghiệp gặp không ít rào cản từ định kiến xã hội, có nhiều người không nhận được sự ủng hộ từ gia đình.
Dân gian có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Người phụ nữ thường bị mặc định là người phải lo toan việc nhà, nữ công gia chánh, thay vì dấn thân vào chốn thương trường khốc liệt. Không ít người khi từ bỏ công việc ổn định để khởi nghiệp đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình.
Chị Phạm Thị Thu Hằng, người sáng lập, CEO Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang, người từng bỏ nghề giáo viên để khởi nghiệp làm mỹ phẩm từ quả bơ, đặc sản quê nhà Đắk Lắk chia sẻ: “Gia đình tôi rất sốc, đặc biệt là bố mẹ tôi. Họ không nghĩ là cho con ăn học bao nhiêu năm, có công việc ổn định, một nghề cao quý như thế mà lại bỏ ngang. Bố mẹ nào cũng mong con có một cuộc sống an nhàn, không phải bôn ba vất vả. Vợ chồng tôi cũng lục đục, cãi nhau nhiều vì chuyện này. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để thuyết phục gia đình”.
Để thành công thì các doanh nhân khởi nghiệp, đặc biệt là những nữ doanh nhân phải đồng hành, cùng nhau chia sẻ. Sự trợ giúp từ những người đi trước sẽ động viên, khuyến khích rất nhiều cho lớp kế cận.
Không chỉ thế, bản thân các nữ doanh nhân cũng có những giới hạn nhất định trong việc xã giao, tiếp cận thông tin. So với nam giới có điều kiện tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội như thể thao, tụ tập, nhậu nhẹt để mở rộng mối quan hệ, kết nối thông tin cho hoạt động kinh doanh, thì phụ nữ thường phải mất nhiều công sức hơn để tìm lối khác.
Ngoài ra, vẫn còn không ít người quan niệm mặc định giới, thiên vị giới như phái nam thường có suy nghĩ lý trí hơn phái nữ cảm tính, hay nam giới thì giỏi về công nghệ thông tin, công nghệ sản xuất hơn phụ nữ…
Hỗ trợ nhau khởi nghiệp
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình với phóng viên Báo Đầu tư, nữ doanh nhân Phạm Thị Thu Hằng cho biết, chị đang tham gia một số nhóm dành riêng cho các doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp.
“Trong kinh doanh thì không phân biệt phụ nữ hay nam giới. Nhóm của tôi có một số chị khá thành công, còn hơn cả doanh nghiệp do đàn ông làm chủ. Những người mới khởi nghiệp như tôi nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của các nữ doanh nhân này”, chị Hằng cho biết.
Đối với các doanh nhân khởi nghiệp còn thiếu kinh nghiệm cả trong sản xuất lẫn kinh doanh, xuất khẩu, những người đi trước, có kiến thức chuyên môn luôn sẵn sàng chia sẻ, chỉ dẫn.
Trong đó, tiêu biểu là các nữ doanh nhân, các nhà đồng sáng lập Công ty TNHH Lavite (sở hữu thương hiệu Đông trùng hạ thảo Hector) thường xuyên có những nhận định về xu hướng thị trường và chia sẻ kiến thức kinh doanh cho người mới khởi nghiệp.
Nữ doanh nhân Đoàn Thị Hồng Thắm, CEO Công ty TNHH MTV Hygie & Panancee cũng không giấu được niềm vui khi nhắc tới các đội, nhóm anh chị em hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Chị Thắm cho biết, với kinh nghiệm nhiều năm làm dược sỹ, có kiến thức chuyên môn được đánh giá là sâu rộng, chị thường xuyên được các nhà khởi nghiệp nhờ hỗ trợ về quá trình chế biến, sản xuất.
“Có một số bạn làm mỹ phẩm, khi sản xuất kết hợp các nguyên liệu với nhau không ra được kết cấu chuẩn, tôi sẽ hỗ trợ, giúp các bạn phân tích xem tại sao và làm thế nào, kết hợp các chất thế nào để có được kết cấu đúng, đạt chuẩn”, chị Thắm nói.
Không chỉ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, lợi thế của mỗi người, các nữ doanh nhân cho biết, luôn sẵn sàng hỗ trợ nhau về trang bị máy móc, thiết bị.
Chị Đoàn Thị Hồng Thắm thông tin: “Bởi vì khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, nên máy móc, thiết bị với chúng tôi rất quan trọng, song đôi khi không biết mua máy đó ở đâu mới tốt, mua về có dùng được không. Khi đó, những chị em đi trước sẵn sàng tư vấn, cung cấp thông tin, đôi khi còn tặng luôn một số loại máy”.
Theo chị Thắm, đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp có nguồn tài chính eo hẹp, sự hỗ trợ trong đầu tư thiết bị đem lại ý nghĩa rất quan trọng.
Trên hết, các nữ doanh nhân khởi nghiệp cho biết, nhờ có những sự hỗ trợ này, họ đã không còn cảm thấy cô đơn trên hành trình của mình.
“Nhận được sự giúp đỡ từ các anh chị đi trước giúp tôi tự tin hơn rất nhiều trên hành trình khởi nghiệp, không còn cảm thấy cô đơn, đang phải làm một mình. Tôi hưng phấn hơn khi được làm việc, chia sẻ với các nhà khởi nghiệp khác”, một nữ doanh nhân tâm sự.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ho-tro-nhau-trong-hanh-trinh-khoi-nghiep-d185047.html