Hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các hội viên tích cực ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hội Nông dân tỉnh kiểm tra mô hình trồng nho.

Hội Nông dân tỉnh kiểm tra mô hình trồng nho.

Từ năm 2021 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Trường Đại học Tây Bắc; Hội Nông dân các huyện, thành phố; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện, thành phố mở 1.176 lớp tập huấn với trên 43.000 lượt hội viên nông dân tham gia về chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả; chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch; chăm sóc và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi. Đồng thời phối hợp với các đơn vị, cung ứng 4.354 tấn phân bón, 440 tấn hạt giống và 479 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại cho hội nông dân các huyện, thành phố. Qua đó, đã góp phần cải tiến tập quán canh tác, nâng cao năng suất lao động, chất lượng cây trồng và vật nuôi.

Hội Nông dân tỉnh đã triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Mô hình tưới nhỏ giọt; mô hình sản xuất rau an toàn trái vụ theo hướng hữu cơ tại các xã Yên Sơn, Chiềng Đông, Tú Nang, huyện Yên Châu với quy mô 10 ha; xây dựng mô hình điểm thu gom, xử lý vỏ nhãn bằng chế phẩm sinh học thành phân bón hữu cơ, tại xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã; xây dựng mô hình thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi tại nguồn bằng chế phẩm sinh học thành phân bón hữu cơ, tại xã Tà Lại, huyện Mộc Châu... Đồng thời, vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng các vùng liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao; phát động các hộ nông dân thực hiện bao trái cây để bảo quản, nâng cao mẫu mã sản phẩm đáp ứng yêu cầu các thị trường.

Với sự hỗ trợ của Hội Nông dân và các cấp, các ngành, đã giúp nông dân tích cực liên kết sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị và tham gia xây dựng sản phẩm OCOP. Nhiều hộ nông dân biết kỹ thuật ghép cải tạo cây ăn quả, sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng trọt và chăn nuôi, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo để tạo giống chất lượng, chăn nuôi an toàn sinh học... Nhiều mô hình được nhân rộng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, liên kết theo hướng chuỗi sản xuất hàng hóa, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp.

Tại huyện Bắc Yên, 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 35 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về chăm sóc cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản cho trên 2.000 lượt hội viên các xã, thị trấn. Ngoài ra, Hội đã chủ động phối hợp, đăng ký liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp bảo lãnh, trợ giá, ký hợp đồng cung cấp vật tư, phân bón, cây trồng, con giống đảm bảo an toàn và chất lượng, giá cả hợp lý để nông dân chủ động sản xuất, kinh doanh.

Cán bộ xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả.

Cán bộ xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả.

Với gần 1 ha cây ăn quả, gồm nhãn ghép, xoài lai, gia đình anh Hà Văn Thắng, bản Pót, xã Mường Khoa đã được Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ mô hình tưới ẩm gốc cây ăn quả với mức hỗ trợ 30 triệu đồng. Quá trình triển khai thực hiện, mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Anh Thắng cho biết: Áp dụng mô hình tưới ẩm, cây phát triển tốt hơn, cho năng suất, chất lượng quả cao hơn hẳn so với chưa áp dụng nên xoài được các thương lái mua với giá cao hơn. Niên vụ 2021, nhà tôi thu hoạch gần 15 tấn quả, bán được gần 100 triệu đồng cả xoài và nhãn.

Ông Cầm Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, phấn đấu Hội Nông dân các huyện, thành phố xây dựng tối thiểu 3 mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Đây là một trong những động lực trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Việc đưa ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người nông dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo động lực thúc đẩy nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tăng cường đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp để tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng, các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân.

Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ho-tro-nong-dan-ung-dung-cong-nghe-vao-san-xuat-nong-nghiep-49028