Hỗ trợ nông dân xử lý rơm rạ bằng nấm Trichoderma giúp nâng cao hiệu quả sản xuất

Thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương hỗ trợ nông dân xử lý rơm rạ bằng nấm Trichoderma kết hợp với phân bón hữu cơ Con voi Bình Dương trên địa bàn tỉnh. Mô hình này giúp nông dân tiếp cận nhanh với những tiến bộ khoa học, bổ sung phân hữu cơ cho cây trồng, tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh

Nông dân xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò sử dụng nấm Trichoderma kết hợp với phân bón hữu cơ Con voi Bình Dương giúp rau màu phát triển tốt

Nông dân xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò sử dụng nấm Trichoderma kết hợp với phân bón hữu cơ Con voi Bình Dương giúp rau màu phát triển tốt

Theo Liên hiệp Hội, thời gian qua, đơn vị triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân tiếp cận nhanh với những tiến bộ khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất giúp nông sản tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong năm 2021 - 2022, đơn vị đã phối hợp với Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương triển khai hỗ trợ 30 tấn sản phẩm phân bón hữu cơ Con voi Bình Dương cho nông dân trên địa bàn các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Châu Thành. Trong năm 2023, đơn vị tiếp tục hỗ trợ hơn 14 tấn phân bón hữu cơ Con voi Bình Dương và 400kg nấm Trichoderma cho nông dân.

Tại huyện Cao Lãnh, từ năm 2022 đến nay, Liên hiệp Hội phối hợp với Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương triển khai hỗ trợ nông dân xử lý rơm rạ bằng nấm Trichoderma kết hợp với phân bón hữu cơ Con voi Bình Dương tại các xã: Tân Hội Trung, Ba Sao, Phương Thịnh, Gáo Giồng, Bình Hàng Trung với diện tích 100ha. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa; tập huấn quy trình kỹ thuật, triển khai mô hình...

Mô hình “Canh tác lúa theo hướng hữu cơ” của ông Nguyễn Văn Sơn, xã Tân Hội Trung áp dụng xử lý phân hủy rơm rạ bằng nấm Trichoderma kết hợp với phân hữu cơ con voi Bình Dương (Ảnh: Thành Sơn)

Mô hình “Canh tác lúa theo hướng hữu cơ” của ông Nguyễn Văn Sơn, xã Tân Hội Trung áp dụng xử lý phân hủy rơm rạ bằng nấm Trichoderma kết hợp với phân hữu cơ con voi Bình Dương (Ảnh: Thành Sơn)

Theo ông Nguyễn Văn Sơn ngụ Ấp 3, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, vụ đầu tiên, lúa sau khi thu hoạch, toàn bộ rơm rạ được để nguyên trên đồng và tiến hành phối trộn 2kg nấm Trichoderma với 100kg phân hữu cơ Con voi Bình Dương rải đều trên 1ha, sau 4 - 6 ngày, toàn bộ rơm rạ bị phân hủy. Đến thời điểm xuống giống, tiến hành bón lót vùi trước khi sạ khoảng 200kg phân hữu cơ Con voi Bình Dương, 10 ngày sau sạ bón thêm 50kg DAP, 20 ngày sau sạ bón tiếp 200kg hữu cơ và khi làm đòng bón 50kg kali. Công thức này giúp lúa xanh tốt, cứng cây, rễ nhiều và dài, lá thẳng đứng giúp cây khỏe, kháng được sâu bệnh.

Ông Sơn cho biết thêm: “Thời gian qua, nhờ sử dụng nấm Trichoderma trong hoai mục rơm rạ và phân hữu cơ Con voi Bình Dương giúp ruộng nhà tôi tăng năng suất cao hơn so với các vụ trước. Trong đó, bình quân mỗi vụ lúa giảm chi phí phân bón khoảng 3 - 4 triệu đồng/ha. Không những thế, việc sử dụng các biện pháp này còn giúp cây lúa phát triển tốt, hạt chắc, cây không bị ngộ độc hữu cơ, hạn chế bệnh đạo ôn, cháy bìa lá. Đồng thời giúp nông dân bảo vệ sức khỏe và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái”.

Tương tự, thời gian qua, Liên hiệp Hội phối hợp với công ty triển khai hỗ trợ nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành xử lý rơm rạ bằng nấm Trichoderma kết hợp với phân bón hữu cơ Con voi Bình Dương. Theo đó, các thành viên Hợp tác xã Sầu riêng Phú Hựu (xã Phú Hựu, huyện Châu Thành) được tham gia áp dụng nấm Trichoderma kết hợp với phân bón hữu cơ Con voi Bình Dương vào canh tác sầu riêng. Điều này bước đầu mang lại hiệu quả, giúp cây trồng khỏe, diệt được nấm bệnh độc hại, bảo vệ thiên địch; đồng thời giúp cây hấp thụ tốt dinh dưỡng...

Thành viên Hợp tác xã Sầu riêng Phú Hựu, huyện Châu Thành ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ và nấm Trichoderma trong quá trình canh tác sầu riêng

Thành viên Hợp tác xã Sầu riêng Phú Hựu, huyện Châu Thành ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ và nấm Trichoderma trong quá trình canh tác sầu riêng

Ông Nguyễn Văn Dựa - thành viên Hợp tác xã Sầu riêng Phú Hựu, chia sẻ: “Trước đây, từ năm 2022, tôi và các thành viên Hợp tác xã được Liên hiệp Hội tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý phòng ngừa thối rễ, xì mủ trên thân, giúp đất mềm hơn, cây sầu riêng phát triển tốt. Đặc biệt, tạo điều kiện cho cây hấp thụ dinh dưỡng, giúp cây chống chịu mạnh với các loại sâu bệnh gây hại. Nhờ vậy, trong toàn vụ giúp giảm được 40% chi phí sản xuất”.

Th.S Nguyễn Phước Tuyên - Chuyên gia nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, chia sẻ: “Thời gian qua, Liên hiệp Hội triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân canh tác theo hướng an toàn trên cây trồng. Trong đó, tiêu biểu là phối hợp với Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương triển khai hỗ trợ nông dân xử lý rơm rạ bằng nấm Trichoderma kết hợp với phân bón hữu cơ Con voi Bình Dương. Điều này giúp bảo vệ cây trồng khỏe từ khâu xử lý đất; giữ lại được những thành phần hữu cơ cần thiết; xử lý tốt những bệnh hại trên cây trồng và quy trình quản lý chặt chẽ dịch bệnh cho cây trồng...”.

Ông Bùi Hữu Soi - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Tháp, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, cơ quan đã tổ chức được 16 buổi phổ biến kiến thức cho nông dân về kỹ thuật canh tác cây trồng theo hướng hữu cơ. Qua các buổi hội thảo, cùng với thực tiễn sản xuất, mô hình được nhiều nông dân áp dụng. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái nông nghiệp. Đồng thời Liên hiệp Hội khuyến cáo bà con nông dân không nên đốt rơm rạ mà thay vào đó là sử dụng nấm Trichoderma để phân hủy rơm rạ nhằm tận dụng nguồn dinh dưỡng có trong phụ phẩm này giúp nông dân giảm chi phí mua phân bón, nâng cao thu nhập cho gia đình. Mặt khác, hướng tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác xử lý rơm rạ bằng nấm Trichoderma kết hợp với phân hữu cơ Con voi Bình Dương trong canh tác lúa và trên các loại cây ăn trái, rau màu để phòng ngừa các bệnh cho cây trồng... Từ đó, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm so với canh tác theo cách truyền thống trước đây”.

NHẬT NAM

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/khoa-hoc/ho-tro-nong-dan-xu-ly-rom-ra-bang-nam-trichoderma-giup-nang-cao-hieu-qua-san-xuat-115715.aspx