Hỗ trợ nữ nhà giáo vượt qua áp lực trong bối cảnh mới

Ngày 28/3, tại Quảng Ninh, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn công tác nữ công vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới.

Báo cáo viên trình bày chuyên đề tại hội nghị tập huấn.

Báo cáo viên trình bày chuyên đề tại hội nghị tập huấn.

Dự hội nghị có bà Trần Thu Phương, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Lê Thị Mai Oanh - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; bà Đặng Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, bà Lê Thị Mai Oanh - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Thời gian qua cùng với việc đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, toàn ngành tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác nữ công, trong đó trọng tâm là các phong trào thi đua mà tiêu biểu là phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ, bình đẳng giới.

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW năm 2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, khẳng định đầu tư vào giáo dục sẽ giúp Việt Nam xây dựng được một lực lượng lao động có kỹ năng và khả năng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động toàn cầu.

 Các đại biểu dự tập huấn.

Các đại biểu dự tập huấn.

Trong đó, đội ngũ nữ nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ quản lý ngành Giáo dục sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết. Cùng với đó, áp lực đặt lên vai các nữ nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ quản lý cũng không hề nhỏ, cần phải có biện pháp tư vấn, hỗ trợ, vì vậy tổ chức công đoàn cần có những giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Năm 2024, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức tập huấn công tác nữ công, bình đẳng giới, sơ kết 2 năm Nghị quyết 6b về công tác vận động nữ công nhân, viên chức, lao động, Chỉ thị 03 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và sơ kết phong trào thi đua “Giỏi việc trường - đảm việc nhà”. Hội nghị đã thảo luận, chia sẻ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả và tổ chức thực hiện và đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần hoàn thành mục tiêu chung của ngành.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần có sự linh hoạt, nhạy bén và sự sáng tạo trong chỉ đạo, triển khai từ cơ sở, đặc biệt là trong tình hình hiện nay trong bối cảnh mới, yêu cầu mới, những thách thức đặt ra đối với đội ngũ cán bộ nhà giáo, người lao động là không nhỏ, nhất là trong giai đoạn khoa học công nghệ bùng nổ như hiện nay.

 Đại biểu thảo luận tại hội nghị tập huấn.

Đại biểu thảo luận tại hội nghị tập huấn.

Do đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tập huấn công tác nữ công, vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới nhằm đánh giá kết quả công tác nữ công năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, phổ biến các nội dung của chuyên đề tập huấn.

Đây là dịp để các đại biểu cùng trao đổi, chia sẻ những sáng kiến, cách làm hay, các mô hình triển khai hiệu quả cũng như các vấn đề còn khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai công tác nữ công, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các đơn vị, tìm giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Tại hội nghị, các đại biểu được tập huấn 3 chuyên đề:

Chuyên đề 1: Hướng dẫn quy trình thành lập, tổ chức, kỹ năng hoạt động của Ban nữ công quần chúng. Triển khai phong trào thi đua “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà” và công tác khen thưởng.

Chuyên đề 2: Giải mã bí quyết: Tăng cường sự tham gia của nữ vào lĩnh vực STEM.

Chuyên đề 3: Phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn đột phá, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Thách thức, rào cản, giải pháp và khuyến nghị.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ho-tro-nu-nha-giao-vuot-qua-ap-luc-trong-boi-canh-moi-post724968.html