Hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập và di tích nằm ngoài Quần thể di tích cố đô Huế
Trong khuôn khổ của kỳ họp lần thứ XI, chiều ngày 7/12, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập và Nghị quyết hỗ trợ đầu tư, bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích cố đô Huế).
Theo đó, từ năm 2021-2020, ngân sách sẽ dành khoảng trên 7,3 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các Bảo tàng ngoài công lập: thuê nhà, đất; hoạt động trưng bày, triển lãm; phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; quảng bá hình ảnh.
Để góp phần bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài 40 di tích của Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn, từ nay đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ dành trên 267 tỷ để hỗ trợ 123 di tích đang xuống cấp; trong đó có 66 di tích được ngân sách hỗ trợ 100%; 28 di tích được hỗ trợ từ 60 - 80% và 28 di tích được hỗ trợ dưới 50%.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải, bên cạnh 2 bảo tàng ngoài công lập đã được cấp phép hoạt động (Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Nghệ thuật thêu XQ), trên địa bàn có hơn 20 nhà sưu tập tư nhân hiện đang lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý hiếm, với chất liệu kim loại, kể cả kim loại quý, thuộc các loại hình đồ gia dụng, đồ nghi lễ, đồ tế tự, đồ trang sức, vũ khí… rất phong phú về kiểu dáng, có giá trị văn hóa và nghệ thuật cao, đây là cơ sở để hình thành các bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn.
Với việc thông qua 2 Nghị quyết này sẽ góp phần cụ thể hóa quan điểm xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh nêu tại Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.