Hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Triển khai thực hiện Dự án 3

Triển khai thực hiện Dự án 3 "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh đã góp phần giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững.

Nông dân xóm Thang, xã Thạch Yên, huyện Cao Phong được hỗ trợ keo giống phát triển sản xuất.

Nông dân xóm Thang, xã Thạch Yên, huyện Cao Phong được hỗ trợ keo giống phát triển sản xuất.

Kim Lập là một trong những xã vùng sâu của huyện Kim Bôi có hơn 90% ĐBDTTS sinh sống. Từ tiểu dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng, xã Kim Lập đã xây dựng dự án chăn nuôi bò lai với tổng nguồn vốn hỗ trợ hơn 400 triệu đồng. Quy mô thực hiện 24 con bò, hỗ trợ cho 48 hộ nghèo, cận nghèo. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ về giống, vật tư và tập huấn kỹ thuật. Mô hình góp phần tạo sinh kế cho người dân vươn lên thoát nghèo.

Thạch Yên (Cao Phong) là xã đặc biệt khó khăn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024. Hiện nay, một trong những rào cản lớn nhất để xã cán đích nông thôn mới là tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Từ thực tế đó, Thạch Yên chủ trương lồng ghép các nguồn lực đễ hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Giai đoạn 2022 - 2023, xã được hỗ trợ tổng nguồn vốn hơn 3 tỷ đồng từ 3 CTMTQG, trong đó có hơn 400 triệu đồng hỗ trợ sản xuất. UBND xã Thạch Yên đã phối hợp phòng chức năng huyện hỗ trợ chuyển đổi nghề cho thanh niên vùng nông thôn, hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi lợn cho hộ nghèo, cây keo giống cho các hộ khó khăn.

Đồng chí Bùi Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Yên cho biết: Việc hỗ trợ phát triển sản xuất trong vùng ĐBDTTS có ý nghĩa rất lớn, giúp các hộ xây dựng mô hình sinh kế hiệu quả. Không chỉ được hỗ trợ giống, vốn, các hộ còn được hướng dẫn kỹ thuật, cách thức quản lý kinh tế và quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường.

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh được giao tổng nguồn vốn 377.695 triệu đồng. Nguồn vốn này nhằm thực hiện 2 nội dung: hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp, phát triển rừng 87.388 ha (gồm hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ 51.405 ha, hỗ trợ rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình 45.983 ha); hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị sản xuất cho 282 dự án, mô hình, thúc đẩy khởi sự kinh doanh 98 mô hình với 4.900 lượt người tham gia.

Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng phòng Chính sách, Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Hiện tỉnh đang tập trung thực hiện vì đây là nội dung gắn liền với tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong việc tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đến tháng 4/2024, tỉnh đã giải ngân kế hoạch vốn sự nghiệp 94.145 triệu đồng, tương đương 44,55% và tiếp tục triển khai vốn sự nghiệp giao năm 2024 là 166.270 triệu đồng.

Từ nguồn lực hỗ trợ, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành để nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất, trong đó ưu tiên hỗ trợ các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến và liên kết theo chuỗi giá trị. Qua đó, chất lượng nông sản ngày càng được quan tâm và nâng cao. Đến thời điểm này, các địa phương đã xây dựng thành công hơn 30 nhãn hiệu tập thể các loại, nhiều nhãn hiệu do ĐBDTTS làm chủ như: tỏi tía Mai Châu, gà đen Pà Cò - Hang Kia, cơm lam Mường Động, cam bưởi Mường Động, nhãn Sơn Thủy... Các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vẫn duy trì như: chuỗi trồng cây ăn quả; chuỗi trồng cây lấy hạt; chuỗi liên kết sản xuất sả và tinh dầu sả chanh; chuỗi trồng và tiêu thụ cây dược liệu; chuỗi sản xuất, tiêu thụ ngô ngọt... đem lại doanh thu cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nâng cao thu nhập cho người dân.

Chính sách phát triển sản xuất cộng đồng tại các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II, I, đã triển khai thực hiện các dự án chăn nuôi bò, gà, lợn; hỗ trợ cây dược liệu, cây rau mít, trám đen, nuôi ong. Các dự án thực hiện phù hợp với từng địa phương để khai thác tiềm năng, lợi thế. Việc triển khai thực hiện các dự án là động lực lớn để thúc đẩy các địa phương vùng ĐBDTTS và miền núi phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Phương Linh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/190669/ho-tro-phat-trien-san-xuat,-tao-sinh-ke-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so.htm