Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ

TS.Trần Quốc Hoàn
Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước

BPO - Những năm gần đây, hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc và đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển khoa học - công nghệ nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Trong đó, khối lượng tài sản trí tuệ được hình thành thông qua các văn bằng bảo hộ đã góp phần phát triển thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, các sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, những đóng góp đó chưa tương xứng với tiềm năng của các sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu. Để góp phần khai thác tiềm năng này, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế, xã hội của tỉnh thì việc phát triển tài sản trí tuệ được xem là yếu tố quan trọng, hiệu quả và mang tính nền tảng. Với tầm quan trọng của việc phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu, HĐND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bình Phước tại Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND ngày 30-9-2021. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch nhằm cụ thể hóa chính sách vào thực tiễn.

Đến nay, Bình Phước đã có chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”; nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Bình Phước”; nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh”; nhãn hiệu tập thể “Gà thả vườn và nhãn tiêu da bò Thanh Lương, TX. Bình Long”; 6 sáng chế hữu ích; 9 kiểu dáng công nghiệp; 400 nhãn hiệu hàng hóa. So với cả nước, khối lượng tài sản trí tuệ được hình thành trên địa bàn tỉnh còn ở mức thấp. Số đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 17/19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Theo đó, ngoài những nguyên tắc chung theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND, việc hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu còn được thực hiện theo các nguyên tắc: Những tài sản trí tuệ được hình thành theo phương thức hỗ trợ bằng những nhiệm vụ khoa học và công nghệ thì được hỗ trợ 100% từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ. Những nội dung hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu khác (không thuộc phương thức nhiệm vụ khoa học và công nghệ) thì được hỗ trợ theo định mức từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ. Việc hỗ trợ phải được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính, có kế hoạch chi trả được phê duyệt hằng năm, có quy chế, quy trình hỗ trợ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Loại hình chỉ dẫn địa lý: Hỗ trợ kinh phí đăng ký chỉ dẫn địa lý cho những sản phẩm đặc thù, có thế mạnh của tỉnh. Với điều kiện phù hợp với chủ trương, định hướng và điều kiện thực tế của tỉnh. Có ít nhất 2 sản phẩm có giá trị được chế biến từ một sản phẩm đặc thù. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận được lập đúng theo quy định hiện hành về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý. Mức hỗ trợ là không quá 1 tỷ đồng đối với một sản phẩm đăng ký trong nước và không quá 2 tỷ đồng đối với sản phẩm đăng ký ở nước ngoài. Phương thức hỗ trợ là thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở theo nguyên tắc xét chọn đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ.

Về loại hình nhãn hiệu tập thể: Hỗ trợ kinh phí đăng ký giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho những sản phẩm có giá trị, có hiệu quả cao và những sản phẩm OCOP của tỉnh. Với điều kiện phù hợp với chủ trương, định hướng và điều kiện thực tế của tỉnh. Sản phẩm đã được định danh thương mại về thể loại và được thị trường chấp nhận tiêu thụ trên phạm vi rộng. Hồ sơ được lập đúng theo quy định. Mức hộ trợ không quá 500 triệu đồng cho mỗi sản phẩm. Hỗ trợ thông qua thực hiện các đề tài hoặc dự án khzoa học và công nghệ ở cấp tỉnh, cấp cơ sở.

Về loại hình nhãn hiệu chứng nhận: Hỗ trợ kinh phí đăng ký giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận cho những sản phẩm có giá trị, có hiệu quả và những sản phẩm OCOP của tỉnh. Với điều kiện phù hợp với chủ trương, định hướng và điều kiện thực tế của tỉnh. Sản phẩm đã được định danh thương mại trên thị trường về thể loại và đã có thị trường tiêu thụ. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận được lập đúng theo quy định hiện hành. Định mức hỗ trợ không quá 400 triệu đồng cho mỗi sản phẩm và hỗ trợ là thông qua thực hiện các đề tài hoặc dự án khoa học và công nghệ ở cấp tỉnh, cấp cơ sở.

Nhãn hiệu thông thường của Công ty cổ phần cao su Sông Bé

Nhãn hiệu thông thường của Công ty cổ phần cao su Sông Bé

Về loại hình nhãn hiệu thông thường: Hỗ trợ kinh phí đăng ký giấy chứng nhận nhãn hiệu thông thường cho những sản phẩm có giá trị, được phép tiêu thụ trên thị trường. Điều kiện hỗ trợ là phù hợp với chủ trương, định hướng và điều kiện thực tế của tỉnh. Sản phẩm đã được định danh thương mại trên thị trường về thể loại, có khả năng tiêu thụ trên thị trường theo quy định của pháp luật. Riêng đối với đăng ký ở nước ngoài thì sản phẩm đó phải được cấp giấy chứng nhận về sở hữu trí tuệ ở trong nước, như: chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hoặc sản phẩm OCOP. Hồ sơ được lập đúng theo quy định hiện hành. Định mức hỗ trợ không quá 8 triệu đồng cho mỗi nhãn hiệu đăng ký trong nước. Không quá 48 triệu đồng cho mỗi nhãn hiệu đăng ký ở nước ngoài và hỗ trợ trực tiếp thông qua xét duyệt hồ sơ.

Sáng chế máy cắt máng che mưa mặt cắt cạo mủ cao su (Nguyễn Đình Tâm, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Sáng chế máy cắt máng che mưa mặt cắt cạo mủ cao su (Nguyễn Đình Tâm, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Về loại hình sáng chế: Hỗ trợ kinh phí đăng ký giấy chứng nhận sáng chế cho những giải pháp hữu ích. Điều kiện hỗ trợ: Chủ đơn có nhu cầu đăng ký hỗ trợ theo đúng quy định. Hồ sơ được lập đúng theo quy định hoặc đã được cấp giấy chứng nhận sáng chế. Riêng đối với đăng ký ở nước ngoài thì sáng chế đó phải được cấp giấy chứng nhận về sở hữu trí tuệ trong nước. Định mức hỗ trợ không quá 24 triệu đồng cho mỗi sáng chế đăng ký trong nước. Không quá 48 triệu đồng cho mỗi sáng chế đăng ký ở nước ngoài và hỗ trợ trực tiếp thông qua xét duyệt hồ sơ.

Về loại hình kiểu dáng công nghiệp: Hỗ trợ kinh phí đăng ký giấy chứng nhận kiểu dáng công nghiệp cho những sản phẩm công nghiệp. Điều kiện hỗ trợ là chủ đơn có nhu cầu đăng ký hỗ trợ theo đúng quy định. Hồ sơ được lập đúng theo quy định hiện hành về xây dựng và quản lý sáng chế hoặc đã được cấp giấy chứng nhận kiểu dáng công nghiệp. Định mức hỗ trợ: Không quá 12 triệu đồng cho mỗi kiểu dáng đăng ký trong nước. Không quá 48 triệu đồng cho mỗi kiểu dáng đăng ký ở nước ngoài. Phương thức hỗ trợ là hỗ trợ trực tiếp thông qua xét duyệt hồ sơ theo quy định…

Sáng chế khung tạo hình trái cây của Phạm Thanh Bình ở ấp 2, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước

Sáng chế khung tạo hình trái cây của Phạm Thanh Bình ở ấp 2, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước

Ngoài các loại hình tài sản trí tuệ được hỗ trợ nêu trên, kế hoạch còn hỗ trợ các hoạt động: Quản lý tài sản trí tuệ và phát triển doanh nghiệp khoa học - công nghệ. Chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hỗ trợ tiếp cận thông tin quản lý tài sản trí tuệ, thương hiệu. Hỗ trợ phát triển phần mềm quản lý tài sản trí tuệ và thương hiệu. Thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu cho sản phẩm. Quảng bá thương hiệu và xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu.

UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập hội đồng và ban hành quy chế xét hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu tỉnh. Ban hành các văn bản quy định cụ thể về nội dung, hồ sơ, trình tự, thủ tục xét hỗ trợ. Phổ biến chính sách và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện chính sách.

Về kinh phí thực hiện, hằng năm, UBND tỉnh sẽ điều chỉnh kế hoạch cho sát với thực tế, trong đó kinh phí được bố trí từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ, ngân sách của các địa phương, nguồn vốn nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ và vốn xã hội hóa. Đây sẽ là nền tảng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/132640/ho-tro-phat-trien-tai-san-tri-tue-va-thuong-hieu-cho-san-pham-dich-vu