Hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương hòa nhập cộng đồng một cách bền vững
Dù quá trình hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương còn nhiều vướng mắc, song Hội LHPN tỉnh Hải Dương đã có những hoạt động thiết thực giúp phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ vượt qua khó khăn và tự tin hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.
Bà Nguyễn Vũ Xuân Thi, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hải Dương chia sẻ cùng báo PNVN:
- Thưa bà Xuân Thi, xin bà chia sẻ về tình hình thực tế của phụ nữ di cư hồi hương của tỉnh?
Bà Nguyễn Vũ Xuân Thi: Phụ nữ di cư ra nước ngoài bằng 2 con đường chủ yếu: Xuất khẩu lao động, kết hôn. Một bộ phận bị lừa bán (chủ yếu là sang Trung Quốc). Thực tế cho thấy, các chị em xuất khẩu lao động về nước thường ít gặp khó khăn. Các chị em kết hôn trở về nước thì thường vướng mắc về thủ tục pháp lý (thủ tục ly hôn, đăng ký khai sinh cho con...). Các chị em bị mua bán trở về là những đối tượng bị tổn thương và gặp nhiều khó khăn nhất.
Từ khi thành lập đến nay, Văn phòng OSSO Hải Dương đã tiếp nhận và tư vấn cho gần 100 phụ nữ di cư hồi hương, phần đông trong số đó là các chị em bị mua bán trở về.
-Thực tế trong quá trình làm việc và hỗ trợ rất nhiều phụ nữ di cư hồi hương, bà thấy chị em còn gặp những khó khăn cụ thể gì?
Bà Nguyễn Vũ Xuân Thi: Qua quá trình tiếp xúc, tư vấn, chúng tôi nhận thấy, phụ nữ di cư hồi hương gặp một số khó khăn sau:
Vấn đề tâm lý: Hầu hết phụ nữ di cư (qua con đường kết hôn, nạn nhân mua bán người), khi về nước thường mang tâm lý mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc với những người xung quanh và không muốn tham gia các hoạt động xã hội. Phần lớn các chị em nhận được tình yêu thương của gia đình nhưng cũng có những chị em khi trở về không tìm được tiếng nói chung với người thân (cá biệt có chị sống cùng nhà nhưng không thể nói chuyện được với mẹ đẻ của mình). Một số chị em là nạn nhân của mua bán người, khi đi còn rất trẻ (17-18 tuổi), khi tìm được về nhà thì đã hơn 50 tuổi, bố mẹ không còn, chỉ còn lại anh em. Anh chị em trong nhà nhiều năm không liên lạc nên tình cảm không gắn kết. Chính vì vậy, họ luôn cảm thấy buồn, cô đơn...
Phụ nữ di cư hồi hương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi trở về tái hòa nhập cộng đồng
Vấn đề Pháp lý: một số vấn đề pháp lý mà phụ nữ di cư hồi hương gặp phải có thể kể đến:
Trước hết là về thủ tục ly hôn: Khi trở về, nhiều chị chưa làm thủ tục ly hôn. Nhiều năm sau, khi có những vướng mắc phát sinh do chưa làm thủ tục ly hôn, các chị mới nghĩ đến việc thực hiện thủ tục này. Nhiều chị không còn giữ liên lạc với chồng nên thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài mà không được sự đồng thuận của chồng sẽ gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian hơn. Một số chị em còn vướng mắc về thủ tục đăng ký khai sinh cho con rất khó giải quyết.
Tiếp theo là vướng mắc về giấy tờ tùy thân: Một số chị em bị lừa bán sang Trung Quốc từ khi còn rất trẻ. Nhiều năm sau, chị em mới tìm được về nhà. Khi đó, chị em không có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào. Các cơ quan tư pháp, công an cũng không có cơ sở để cấp giấy giờ tùy thân cho những trường hợp này. Đây cũng là một vấn đề chưa có hướng giải quyết.
Vấn đề việc làm: Phụ nữ di cư hồi hương khi trở về tuổi đã cao, trình độ học vấn thấp, một số trường hợp hạn chế khả năng nhận thức nên khó khăn trong việc tìm kiếm một việc làm phù hợp.
Vấn đề kinh tế: Một bộ phận phụ nữ di cư hồi hương đang sống trong hoàn cảnh rất khó khăn.Thường gặp ở các chị em bị mua bán trở về. Phần lớn trong số này tuổi đã cao, sức khỏe yếu (nhiều chị không còn khả năng lao động), hạn chế khả năng nhận thức. Khi trở về phụ thuộc hoàn toàn vào người thân (nhiều trường hợp người thân cũng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương).
- Các cấp Hội LHPN tỉnh Hải Dương đã có những hỗ trợ gì để phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ vượt qua khó khăn và tự tin hòa nhập cộng đồng một cách bền vững, thưa bà?
Bà Nguyễn Vũ Xuân Thi: Từ khi thành lập Văn phòng Osso, chúng tôi đã chủ động trong việc rà soát, tiếp cận các trường hợp phụ nữ di cư hồi hương trên địa bàn tỉnh. Sau khi tiếp xúc, chúng tôi phân loại các trường hợp để có hướng hỗ trợ phù hợp.
Trước hết, chúng tôi chỉ đạo các cấp Hội quan tâm đến các chị em di cư hồi hương. Nhất là các chị cán bộ Hội ở cơ sở, là những người gần gũi với các chị em, sẽ quan tâm, giúp đỡ, động viên để chị em tự tin tham gia các hoạt động Hội.... Từ đó xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng.
Đối với các trường hợp khó khăn về tâm lý thì cán bộ tư vấn của văn phòng thường xuyên gọi điện, chia sẻ, động viên các chị.
Đối với các trường hợp vướng mắc về thủ tục pháp lý, chúng tôi hỗ trợ làm hồ sơ, thủ tục, giới thiệu sang các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng hành cùng với chị em cho đến khi hoàn tất thủ tục. Bên cạnh đó, có công văn kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ giải quyết đối với các trường hợp vướng mắc về thủ tục đăng kí khai sinh cho con, cấp giấy tờ tùy thân... Tuy nhiên, đây là những vướng mắc mà ở thời điểm hiện tại, theo quy định của pháp luật, chúng ta chưa giải quyết được.
Về vấn đề việc làm: Chúng tôi kết nối các chị em đến các đơn vị cung cấp dịch vụ (trung tâm giới thiệu việc làm....). Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chị em phụ nữ di cư hồi hương tuổi đã cao, trình độ học vấn thấp nên việc tìm kiếm việc làm cho các đối tượng này cũng gặp nhiều khó khăn.
Đối với các trường hợp chị em khó khăn về kinh tế thì chúng tôi mới chỉ dừng lại ở việc đưa các chị vào danh sách được quan tâm khi có các chương trình hỗ trợ, tặng quà...
- Bà có lời khuyên gì dành cho phụ nữ di cư hồi hương để chị em tự tin hơn khi về sinh sống, làm việc tại quê nhà?
Bà Nguyễn Vũ Xuân Thi: "Cánh cửa này khép lại thì cánh cửa khác lại mở ra", quê hương luôn chờ đón các chị. Chị em hãy gạt bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti; chủ động, tích cực hòa nhập cộng đồng để tiếp tục xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho mình. Các cấp Hội phụ nữ, Văn phòng Osso - hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các chị!