Hỗ trợ sinh kế từ nhu cầu thực tế
Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động hướng về cơ sở, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Di Linh chú trọng nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của hội viên. Từ đó, có những mô hình hỗ trợ phù hợp để đồng hành cùng phụ nữ từng bước tháo gỡ khó khăn, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Giúp nhau phát triển kinh tế
Đầu năm 2021, Hội LHPN huyện Di Linh triển khai Dự án “Thúc đẩy tài chính toàn diện vì phụ nữ dân tộc thiểu số năm 2021” tại xã Gia Hiệp. Sau lớp tập huấn do Hội LHPN tỉnh tổ chức, giới thiệu về mô hình “Tiết kiệm và cho vay tại thôn, bản theo hình thức cổ phần tài chính”, đã có 5 chi hội phụ nữ thôn thuộc xã Gia Hiệp đăng ký xây dựng mô hình. Trong đó, có 2 thôn thuộc khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến ngày 30/1/2021, Hội LHPN xã Gia Hiệp đã hoàn thành các chỉ tiêu của dự án đề ra. 5/5 tổ được thành lập bầu Ban Quản lý, thông qua quy chế hoạt động, vận động 97 thành viên tham gia 690 cổ phần. Tổng số tiền tiết kiệm 54,5 triệu đồng được xét cho 14 hội viên vay.
Theo chị Nguyễn Thị Hoa Lư - Chủ tịch Hội LHPN xã Gia Hiệp, hoạt động của dự án đã hình thành nên các nhóm tiết kiệm theo cụm dân cư. Từ đó, tạo ra nguồn vốn vay thường xuyên, liên tục, phù hợp với nhu cầu của hội viên phụ nữ để đầu tư cho sản xuất phát triển kinh tế gia đình; giúp cán bộ, hội viên phụ nữ có thói quen tiết kiệm trong sinh hoạt, đặc biệt là chị em phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mô hình “Tiết kiệm và cho vay tại thôn, bản theo hình thức cổ phần tài chính” là một trong những hình thức mà Hội LHPN huyện Di Linh thực hiện nhằm thu hút hội viên, phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Theo chị Hà Thị Thùy Linh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Di Linh, qua việc thực hiện mô hình sẽ làm chuyển biến nhận thức của hội viên, phụ nữ. Đồng thời, giúp cho nhiều chị em ở địa phương có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình...
Ngoài ra, phong trào thi đua tiết kiệm ủng hộ Quỹ “Vì phụ nữ nghèo” tiếp tục được Hội LHPN các cấp trong huyện thực hiện. Trong năm 2020, có 19.339 hội viên ủng hộ 77,6 triệu đồng, nâng tổng số tiền quỹ lên 1,251 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân 1,024 tỷ đồng cho 209 hội viên vay để đầu tư chăm sóc cây trồng, buôn bán nhỏ; hỗ trợ xây 3 mái ấm tình thương với tổng số tiền 75 triệu đồng cho hội viên xã Đinh Trang Thượng, Tân Lâm và Hòa Trung; hỗ trợ 2,5 triệu đồng cho 3 hội viên thị trấn Di Linh và xã Đinh Trang Hòa có hoàn cảnh khó khăn.
Nâng cao vị thế của phụ nữ
Để góp phần cùng địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, Hội LHPN huyện Di Linh tiếp tục thực hiện nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên phụ nữ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế. Tính đến cuối tháng 10/2020, Hội quản lý 89 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ toàn huyện 123,175 tỷ đồng, có 3.656 hộ vay. Duy trì 478 tổ hùn vốn, tiết kiệm với 12.464 hội viên tham gia, tổng số tiền trên 10,7 tỷ đồng, giúp 2.085 hội viên vay. Bên cạnh đó, trong năm 2020, toàn huyện đã tổ chức được 5 lớp với sự tham gia của 225 hội viên, tập trung vào những nội dung như kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn trái, trồng nấm rơm, tái canh cà phê,...
Thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Hội LHPN huyện Di Linh đã khảo sát nhu cầu hội viên phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp. Từ đó, chọn 4 ý tưởng có tính khả thi để hướng dẫn, gồm Cơ sở sản xuất mắc ca Thảo Dược (Thôn 8, xã Gia Hiệp); Tổ liên kết đánh bắt, thu gom và cung cấp thủy sản sạch, an toàn Thúy Anh (Thôn 11, xã Hòa Bắc); Tổ liên kết sản xuất hạt điều Gia Bắc; mô hình nuôi cá nước ngọt (thôn Đăng Cao, xã Sơn Điền). Trong đó, Hội đã hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ máy tách hạt điều cho Tổ liên kết sản xuất hạt điều tại xã Gia Bắc; hỗ trợ tủ cấp đông cho Tổ liên kết đánh bắt, thu gom và cung cấp thủy sản sạch, an toàn Thúy Anh.
Tuy nhiên, theo nhận định của Chủ tịch Hội LHPN huyện Hà Thị Thùy Linh, hiện, khởi nghiệp chưa thể trở thành thế mạnh của phụ nữ địa phương, bởi điều kiện còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, Hội vẫn tập trung vào việc hỗ trợ sinh kế dựa trên nhu cầu thiết thực của chị em phụ nữ. “Qua đánh giá, các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã góp phần giúp ý thức của chị em dần được nâng lên. Rõ nét nhất là từ 3 năm trở lại đây, nhiều chị em phụ nữ đã nỗ lực, mạnh dạn đầu tư để phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được củng cố, nâng lên, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương đề ra”- chị Linh khẳng định.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202103/ho-tro-sinh-ke-tu-nhu-cau-thuc-te-3048063/