Hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế tập thể

Phát huy vai trò là 'hạt nhân' nòng cốt, tổ chức Đoàn các cấp trên địa bàn tỉnh đã tích cực kết nối, thành lập, vận động đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia các mô hình kinh tế tập thể phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

THT sản xuất rượu cần và dệt thổ cẩm bản Buôn Go (thị trấn Cát Tiên) góp phần giúp ĐVTN phát triển kinh tế và lưu giữ văn hóa truyền thống tại địa phương. Ảnh: Hồng Thắm

THT sản xuất rượu cần và dệt thổ cẩm bản Buôn Go (thị trấn Cát Tiên) góp phần giúp ĐVTN phát triển kinh tế và lưu giữ văn hóa truyền thống tại địa phương. Ảnh: Hồng Thắm

MÔI TRƯỜNG HỌC HỎI, KẾT NỐI

Hiện, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thành lập và duy trì được 33 tổ hợp tác (THT), 3 hợp tác xã (HTX), 10 câu lạc bộ (CLB) phát triển kinh tế trong thanh niên. Phần lớn trong đó là các mô hình liên kết phát triển trồng rau, hoa theo hướng áp dụng công nghệ cao hoặc tổ chức chăn nuôi bò sữa, bò thịt. Số lượng ĐVTN tham gia các THT sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp hiện khoảng 310 thành viên.

Tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, THT sản xuất mắc ca do Đoàn xã thành lập từ năm 2019 hiện có 30 thành viên với tổng diện tích 60 ha. Anh Ngô Văn An - Bí thư Đoàn xã Tân Thanh, cho biết: Là một xã thuần nông, đa số ĐVTN ở địa phương chủ yếu canh tác manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất và thường xuyên bị thương lái ép giá. Chính vì vậy, THT sản xuất mắc ca hỗ trợ thanh niên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, đồng thời đẩy mạnh liên kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Các thành viên của THT cũng được tiếp cận với các nguồn vốn vay để đầu tư giống, phân thuốc hoặc mở rộng diện tích.

Vai trò của Đoàn là cầu nối giữa tổ viên với các nguồn vốn vay, cũng như tiến hành trưng bày sản phẩm tại các hội nghị, hội chợ trong và ngoài huyện để từng bước mở rộng thị trường.

“Khi thanh niên đang loay hoay với bài toán chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì, thì THT ra đời chính là nơi định hướng, hướng dẫn để các bạn tự tin, mạnh dạn thực hiện từng bước. Chúng tôi đang hướng đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đồng thời tham gia xây dựng thành sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị cho cây mắc ca tại địa phương” - Bí thư Đoàn xã Ngô Văn An chia sẻ.

Tương tự, tại huyện vùng xa Cát Tiên, chị Nguyễn Thị Hồng Anh - Bí thư Huyện đoàn cho biết: Phong trào phát triển kinh tế trong thanh niên ở địa phương đã bắt đầu có những bước khởi sắc so với thời gian trước. Tuy nhiên, vẫn còn gặp nhiều khó khăn và lúng túng, nhất là đối với thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số. Để khuyến khích ĐVTN, Huyện đoàn đã tuyên truyền, hỗ trợ thanh niên xây dựng và tham gia các THT giúp nhau phát triển trồng trọt, chăn nuôi để các thành viên có sự hỗ trợ lẫn nhau.

Là một trong 3 THT do thanh niên thành lập tại huyện Cát Tiên, THT sản xuất rượu cần và dệt thổ cẩm bản Buôn Go (thị trấn Cát Tiên) không những tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho các thành viên, mà còn giúp những người trẻ nơi đây góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Mạ. Qua hơn hai năm hoạt động, THT đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đoàn kết tập hợp ĐVTN dân tộc thiểu số tại địa phương.

THÁO GỠ KHÓ KHĂN, PHÁT HUY HIỆU QUẢ

Để phát huy hiệu quả của các mô hình kinh tế tập thể, hàng năm, Tỉnh Đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Liên minh HTX tỉnh, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo điều kiện cho các THT, HTX tiếp cận các thông tin về việc triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển HTX; tham gia triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, các chương trình của quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn phối hợp tổ chức các hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; tập trung chỉ đạo các huyện, thành đoàn tăng cường công tác hỗ trợ thanh niên xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể tại địa phương. Đồng thời duy trì và nhân rộng các hoạt động hỗ trợ thanh niên vay vốn sản xuất, kinh doanh và các tổ tiết kiệm và vay vốn do thanh niên quản lý...

Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn chuyên đề và cung cấp thông tin thị trường cho thanh niên nông thôn, nông dân, nhằm xây dựng các vùng chuyên canh tập trung về cây nông nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác qua tổ chức Đoàn, hỗ trợ ĐVTN và bà con nhân dân có điều kiện về vốn để triển khai các dự án có quy mô lớn hơn; ưu tiên cho các dự án, nông hộ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Theo nhận định của anh Trần Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác về thành lập, tổ chức, phương thức hỗ trợ đối với các mô hình kinh tế tập thể do thanh niên thành lập, quản lý vẫn còn những hạn chế nhất định. Để giải quyết những khó khăn này, theo anh Trung, bên cạnh chính sách hỗ trợ từ Tỉnh Đoàn, địa phương và các cơ quan chức năng, bản thân thanh niên cần lựa chọn mô hình kinh tế hợp tác phù hợp, gắn chặt với mục tiêu trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

VIỆT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202112/ho-tro-thanh-nien-phat-trien-kinh-te-tap-the-3092230/