Hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tận dụng hiệu quả lợi thế của các nền tảng thương mại điện tử để thúc đẩy xuất khẩu đang được đẩy mạnh triển khai.
Xu hướng xuất khẩu mới, hiệu quả
Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và những tác động của đại dịch COVID-19 đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam bán hàng xuyên biên giới.
Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Chia sẻ tại tọa đàm “Thúc đẩy xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 19/10, ông Nguyễn Thành Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, những năm gần đây, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại với mục tiêu nòng cốt là tập trung xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.
Trong đó, Cục Xúc tiến thương mại đã hợp tác với các sàn thương mại điện tử ngoài nước như Alibaba.com, Amazon.com, nền tảng thương mại điện tử Tiktok, các sàn thương mại điện tử trong nước như Tiki, Shopee, Voso, Sendo,… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã,… kinh doanh hiệu quả trên các nền tảng thương mại điện tử.
Đồng thời cũng xây dựng những gian hàng hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng mới, thị trường mới, xúc tiến tiêu thụ, kết nối những giao dịch hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu thông qua các nền tảng thương mại điện tử.
Doanh nghiệp xoay xở bắt kịp xu hướng xuất khẩu qua thương mại điện tử
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế, đó là rào cản về văn hóa, ngoại ngữ cũng như hiểu biết về các quy tắc hoạt động của thương mại điện tử tạo nên thách thức lớn cho Việt Nam trong quá trình xuất khẩu xuyên biên giới.
Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Maketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam nêu rõ, khó khăn thứ nhất của doanh nghiệp Việt Nam là vấn đề về ngôn ngữ, mặc dù Alibaba.com đã hỗ trợ 18 ngôn ngữ giúp các doanh nghiệp giao tiếp dễ dàng hơn, nhưng thực tế trở ngại đến từ những giao tiếp, thương thuyết của doanh nghiệp bên ngoài nền tảng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn còn tồn tại những hạn chế về kỹ năng sử dụng marketing, sử dụng các công cụ hỗ trợ, đồng thời vấn đề liên quan đến logistics cũng khiến cho những giao dịch thương mại điện tử bị ảnh hưởng.
Đồng tình với những khó khăn mà bà Nguyễn Thị Phương Uyên chỉ ra, từ thực tế doanh nghiệp đã có gian hàng trên Alibaba.com, bà Hoàng Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển sáng tạo Đông Dương (Indochina) chia sẻ, Indochina gặp khó khăn trong việc thanh toán và bảo mật thông tin khách hàng. Đồng thời, vấn đề về logistics và chuỗi cung ứng cũng như vấn đề lệch múi giờ, khác ngôn ngữ và thị hiếu khách hàng là rào cản khi kinh doanh trên thương mại điện tử.
Để khắc phục những khó khăn này, bà Hoàng Thị Thanh Tâm cho biết, Indochina đã xây dựng một đội ngũ nhân sự có thể thường xuyên đăng tải hình ảnh và bài viết lên trên các nền tảng thương mại điện tử phát triển xây dựng hình ảnh thương hiệu, sản phẩm ở trên tất cả các nền tảng để khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm trên tất cả các công cụ.
Ngoài ra, Indochina cũng tập trung trau dồi kinh nghiệm và đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ thông qua các buổi đào tạo về kỹ năng bán hàng, kỹ năng marketing và về ngôn ngữ cho nhân sự trong công ty.
Đứng ở góc độ người làm marketing, bà Nguyễn Thị Phương Uyên đề xuất, các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ về thị trường, mục tiêu và đối tượng khách hàng; phải có những kỹ năng về marketing cũng như sử dụng các công vụ hỗ trợ trên các nền tảng thương mại điện tử đang cung cấp; chủ động tiếp cận khách hàng và kết hợp các hình thức kinh doanh khác, bên cạnh việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
“Do xu hướng thị trường liên tục thay đổi nên doanh nghiệp nên cập nhật kiến thức thường xuyên bằng cách học hỏi trực tiếp từ thông tin trên báo đài hoặc chủ động học hỏi từ những người, những doanh nghiệp thành công đi trước.” - bà Nguyễn Thị Phương Uyên nhấn mạnh.
Phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái xúc tiến thương mại số
Để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới, bà Nguyễn Thị Phương Uyên bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình đào tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp cho doanh nghiệp có được những kỹ năng cần thiết về kinh doanh trên thương mại điện tử.
Đồng thời, tập trung xây dựng những hoạt động, dự án giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm made-in-Việt Nam ra toàn thế giới; hỗ trợ kết nối giao thương giữa nhà mua hàng nước ngoài và nhà bán hàng nội địa.
Ngoài ra cũng cần nhân rộng mô hình hoặc quảng bá, chia sẻ, tạo ra môi trường giao lưu giữa doanh nghiệp điển hình đang thành công kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử để chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khác ở Việt Nam.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Thành Dương cho biết, thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương sẽ phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái xúc tiến thương mại số nằm trong Quyết định số 1986 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa việc phối hợp với những sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, tìm kiếm những sàn thương mại điện tử lớn, phù hợp, có nhiều xu hướng mới để kịp thời hỗ trợ những doanh nghiệp đang có ý định, mong muốn kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử.
Cục cũng sẽ tổ chức những hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tại các địa phương trên toàn quốc để nâng cao nhận thức và cách thức kinh doanh trên môi trường số và phương thức chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại cũng như kỹ năng kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.
Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại hướng đến xây dựng những gian hàng chung, những Gian hàng quốc gia Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá hình ảnh sản phẩm và xúc tiến tiêu thụ cũng như thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua các nền tảng này.
“Những nỗ lực của Cục Xúc tiến thương mại cũng đã góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được khách hàng và thị trường quốc tế.” - ông Nguyễn Thành Dương chia sẻ.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên môi trường số nói chung cũng như sàn thương mại điện tử nói riêng, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế như Alibaba.com., TikTok, Amazon.com, Lazada, Tiki, Foodmap, Postmart, Voso, Shopee, Sendo,... triển khai nhiều thỏa thuận hợp tác. Qua đó, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh, quảng bá thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Mới đây nhất, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp chặt chẽ với Alibaba.com triển khai và vận hành "Gian hàng Quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion" trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com.
Đây sẽ là không gian hàng hóa Made-in-Việt Nam trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com, tập hợp giới thiệu hàng trăm doanh nghiệp, thương hiệu uy tín và sản phẩm chất lượng để đại diện xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động kết nối thương mại kinh doanh, tăng cường hiểu biết về sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam cho khách hàng quốc tế.