Hỗ trợ việc làm bền vững cho người nghèo

Người lao động tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: KIM CHI

Xác định hỗ trợ việc làm là một trong những giải pháp để giảm nghèo một cách hiệu quả, bền vững, thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã có nhiều cách làm sáng tạo trong tư vấn, giới thiệu tạo việc làm ổn định cho người nghèo.

Để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, Sở LĐ-TB&XH tổ chức đánh giá nhiệm vụ năm 2022 và triển khai giải pháp năm 2023, trong đó có nội dung hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Dự án 4 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững) trên địa bàn tỉnh.

Việc tìm người - Người tìm việc

Ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH), cho biết, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Trong chương trình này có Tiểu dự án 3 về hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Dự án 4 (gọi tắt là Tiểu dự án 4.3).

Tiểu dự án 4.3 nhằm cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Tuy nhiên, tại hội nghị triển khai công tác giảm nghèo mới đây, các đại biểu nhìn nhận sau 1 năm triển khai, việc ban hành các văn bản hướng dẫn cũng như phân bổ vốn cho thực hiện tiểu dự án này còn chậm, dẫn đến khó khăn trong thực hiện các hoạt động có liên quan, nhất là đối với các địa phương.

Theo Sở LĐ-TB&XH, năm 2022, toàn tỉnh phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện Tiểu dự án 4.3 là 771 triệu đồng. Bên cạnh đó, vốn đầu tư công là 845 triệu đồng do ngân sách trung ương bố trí đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu.

Ông Lê Ngọc Sơn, chuyên viên Phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), chia sẻ: Sở đã tiến hành thu thập dữ liệu “Việc tìm người - Người tìm việc”. Hiện có 29 đơn vị, người sử dụng lao động có nhu cầu tìm lao động, cập nhật, thu thập thông tin.

Tổng số lao động có nhu cầu tìm việc được thu thập, cập nhật thông tin là 7.880 người; trong đó đối tượng được thụ hưởng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo gần 2.000 người, hộ đồng bào dân tộc thiểu số 394 người, lao động nữ: 3.152 người/tổng số đối tượng thụ hưởng.

Đồng thời, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng đã thực hiện 3 phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm cho 392 người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người đồng bào dân tộc thiểu số.

Bảo đảm đúng mục tiêu, đúng đối tượng

Ông Nguyễn Hữu Từ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Nguồn kinh phí hỗ trợ việc làm bền vững đáp ứng được nhu cầu tổ chức, hỗ trợ các hoạt động giao dịch việc làm tại các huyện, giúp cho người lao động mất việc làm hoặc người lao động có việc làm nhưng việc làm không ổn định được tiếp cận và trao đổi thông tin cần thiết về nhu cầu việc làm trong nước, ngoài nước; hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề để có cơ hội nghề nghiệp quay lại thị trường lao động. Đồng thời giúp cho người lao động nâng cao hiểu biết về quy trình, điều kiện tuyển dụng của các doanh nghiệp; định hướng, chuẩn bị kiến thức về nghề nghiệp, việc làm trước khi tham gia thị trường lao động…

“Tuy nhiên, trong năm qua, việc thực hiện Tiểu dự án 4.3 còn chậm, chưa giải ngân đến người dân thụ hưởng. Nguyên nhân một phần do trung ương giao cho địa phương ban hành quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật nên còn chậm trễ trong công tác tham mưu; địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định. Ngoài ra, nội dung quy định và hướng dẫn chưa rõ ràng nên địa phương còn lúng túng trong công tác triển khai thực hiện”, ông Từ cho biết thêm.

Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các sở, ban ngành và hội đoàn thể tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, tạo việc làm bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; bảo đảm thực hiện chương trình đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hiệu quả, bền vững. Đồng thời, sở sẽ hướng dẫn các địa phương thực hiện đầy đủ các hoạt động trong Tiểu dự án 4.3 theo đúng quy định; thực hiện hiệu quả lồng ghép với các chương trình, dự án đẩy mạnh giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động khác.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/300634/ho-tro-viec-lam-ben-vung-cho-nguoi-ngheo.html