Hỗ trợ xử lý môi trường tại các cơ sở công nghiệp nông thôn

Đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT - XH của tỉnh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp nông thôn (CNNT) cũng phát sinh những vấn đề về môi trường. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, công tác xử lý môi trường tại các cơ sở CNNT ngày càng được quan tâm, góp phần kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, nâng cao hiệu quả SXKD.

Từ nguồn vốn hỗ trợ khuyến công, Chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư OSUM ở xã Trung Nguyên (Yên Lạc) đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giải quyết việc làm cho 30 lao động với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Từ nguồn vốn hỗ trợ khuyến công, Chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư OSUM ở xã Trung Nguyên (Yên Lạc) đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giải quyết việc làm cho 30 lao động với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Với mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch tại các cơ sở sản xuất CNNT nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên, vật liệu; giảm thiểu và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người..., Quyết định số 2372 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đề ra 8 chương trình cụ thể, trong đó có nội dung hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở CNNT.

Trên cơ sở nguồn vốn được cấp hàng năm, tỉnh sẽ chỉ đạo ngành Công thương phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố triển khai hỗ trợ 1 cơ sở CNNT thực hiện đề án khuyến công, đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường.

Năm 2021, Trung tâm Phát triển Công thương tỉnh - Sở Công thương đã hỗ trợ Chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư OSUM ở thôn Thiệu Tổ, xã Trung Nguyên (Yên Lạc) thực hiện thành công đề án “Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường” với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, trong đó kinh phí được hỗ trợ là 270 triệu đồng.

Sau khi được Công ty cổ phần tư vấn và dịch vụ ETMART VINA - Chi nhánh Vĩnh Phúc hướng dẫn, tư vấn, công ty đã đầu tư mua mới và lắp đặt hệ thống máy móc xử lý khí và hơi nước thải ra trong quá trình vận hành máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất thủy tinh, pha lê.

Với hệ thống xử lý này, khí và nước thải trong quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn. Sau các đợt quan trắc cho thấy, các thông số đều thấp hơn giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn QCVN 19:2009/BTNMT về khí thải và tiêu chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải, không còn mùi hôi khét và lượng hơi nước chứa axit được xử lý đạt độ pH trung tính trước khi thải ra môi trường.

Nhờ đó, năng suất lao động của đơn vị đạt 13.000 sản phẩm/tháng (tăng 30% so với trước khi đầu tư hệ thống xử lý môi trường); tỷ lệ sản phẩm lỗi, hỏng giảm đáng kể; tiết kiệm 10% chi phí sử dụng nguyên, nhiên liệu; giải phóng được 30% sức lao động.

Chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư OSUM là đơn vị chuyên sản xuất, gia công mặt hàng thủy tinh, pha lê với nhiều dòng sản phẩm chủ đạo, như: Ly, cốc, lọ hoa pha lê (khảm vàng, bạc, mài hoa văn trang trí); âu, đĩa, (màu, khảm vàng, đắp nổi, mài hoa văn); đèn chùm; biểu trưng pha lê; cúp thể thao; đồ trang trí để bàn...

Sau hơn 20 năm hoạt động, đến nay thương hiệu pha lê OSUM đã khẳng định uy tín và được nhiều khách hàng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước ưa chuộng nhờ chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã đa dạng, phong phú. Công ty hiện đang tạo việc làm cho 30 lao động với mức lương bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, hầu hết các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, thiếu vốn đầu tư mua sắm máy móc thiết bị hiện đại, mặt bằng sản xuất chật chội và hạn chế trong việc tổ chức, liên kết sản xuất...

Điều kiện và môi trường lao động tại các cơ sở CNNT cũng chưa được đảm bảo, phần đa chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn theo quy chuẩn; chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất chưa được thu gom và xử lý triệt để.

Để giải quyết vấn đề này, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hỗ trợ các đơn vị áp dụng sản xuất sạch hơn, góp phần giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm. Nhưng do nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước rất hạn chế, khiến công tác hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở CNNT chưa đạt hiệu quả.

Theo Quyết định số 31 của UBND tỉnh về Quy chế Quản lý kinh phí khuyến công và mức chi cụ thể đối với các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh, mức hỗ trợ tối đa cho các cơ sở CNNT triển khai đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường là 30% tổng chi phí, không quá 300 triệu đồng/cơ sở; trong khi để triển khai đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, các cơ sở CNNT phải mất khoản chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng/dự án cho các bước tư vấn kỹ thuật, quan trắc để kiểm tra những thông số về khí thải được cho phép thải ra môi trường...

Hầu hết các cơ sở CNNT đều nằm trong khu dân cư và có quy mô nhỏ, thiếu diện tích để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường. Mặt khác, sau khi đầu tư sẽ phát sinh chi phí vận hành, từ đó làm cho giá thành sản xuất tăng lên, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Hình thức hỗ trợ một phần kinh phí, việc triển khai đề án hỗ trợ đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở CNNT đã và đang khẳng định hiệu quả, lợi ích thiết thực về kinh tế và môi trường.

Tuy nhiên, rất cần có thêm sự quan tâm về cơ chế, chính sách cũng như hạn mức kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để các đơn vị thụ hưởng nguồn vốn tiếp tục mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, từng bước mở rộng quy mô sản xuất.

Việt Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/76950/ho-tro-xu-ly-moi-truong-tai-cac-co-so-cong-nghiep-nong-thon.html