Ho về đêm có thể là dấu hiệu bệnh nguy hiểm
Hỏi: Tôi hay bị ho dữ dội về đêm, cơ thể mệt mỏi vì thường xuyên ngủ không ngon giấc. Xin bác sĩ cho biết tôi mắc bệnh gì, và biện pháp điều trị? - Đào Thị Phương (56 tuổi; Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội)
Đáp: Ho về đêm ở người lớn có thể do viêm xoang, hen suyễn, trào ngược axit. Ho có thể là triệu chứng gây khó chịu nhưng cũng có thể là biểu hiện của một bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là với người cao tuổi. Người bệnh phải tới bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị khi ho có kèm theo sốt, khó thở, tím tái, ho kéo dài, suy kiệt...
Nếu người bệnh bị ho kéo dài trên 5 ngày thì phải đi khám ngay. Nếu ho kéo dài hơn 3 tuần, điều trị bằng thuốc không giảm, có kèm theo sốt, ho có đờm xanh, nâu gỉ, vàng, ho ra máu, thở nông hoặc đau ngực khi ho thì đó có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm.
Nếu bệnh nhân đi khám mà chưa có dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng, song vẫn ho thì có thể sử dụng một số loại thuốc ho thông thường, nếu không mắc bệnh tiểu đường thì có thể chọn các loại siro ho. Cũng có thể sử dụng tần dày lá, kinh giới, tía tô để giúp giảm ho, bởi đây là những loại có tinh dầu và có tính kháng sinh, giúp giảm kích thích ở vùng hầu họng. Người bệnh có thể dùng cành và lá của các loại này để nấu nước uống trong ngày. Ban đêm có thể uống thêm nước gừng ấm để ngăn ngừa cơn ho.
Người bệnh cần năng luyện tập thể dục thể thao, ăn uống hợp lý, vệ sinh răng miệng, tạo môi trường sống sạch. Bệnh nhân nên uống nhiều nước mỗi ngày, tránh môi trường khô và lạnh (nhất là điều hòa), tránh khói thuốc, khói than, bụi, phấn hoa, lông súc vật...; không ăn/ uống đồ quá nóng; giữ ấm cổ, ngực.
PGS.TS Chu Thị Hạnh
Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai