Hồ Việt Hải, đồng sáng lập pin cát Alternō: Tìm giải pháp năng lượng xanh cho chế biến nông sản
Alternō là start-up pin cát đầu tiên trên thế giới tập trung giải bài toán sấy nông sản cho ngành nông nghiệp.
Sấy nông sản từ sức nóng của cát
Nằm tại vùng đất nắng nóng của xã Ninh Hưng (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), nơi đường điện quốc gia còn chưa chạm tới, trang trại nông sản Ecovi Farm đã chọn phương án hoàn toàn mới để phục vụ hoạt động sấy xoài và dược liệu: sử dụng nhiệt lượng từ pin cát.
Với khoản đầu tư chưa tới 500 triệu đồng, Ecovi Farm có hệ thống pin cát Alternō, giúp trang trại chuyển hóa nguồn điện mặt trời thành nhiệt lượng chứa trong viên pin. Nguồn nhiệt này có thể lưu trữ lên tới hàng tháng trời, đảm bảo quá trình sấy nông sản diễn ra liên tục, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết như khi phơi nắng, cũng không gây ô nhiễm môi trường như sấy bằng than đá hay than củi.
Với công suất sấy hiện tại, bà Nguyễn Thị Lê Na, nhà sáng lập Trang trại Ecovi Farm ước tính, nếu sử dụng điện lưới, mỗi tháng họ phải tốn 5 - 6 triệu đồng, trong khi đầu tư hệ thống pin cát, sau 5 năm sẽ hoàn vốn.
Ecovi Farm là một trong những khách hàng đầu tiên của Alternō, start-up làm pin cát có trụ sở tại TP.HCM.
Trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư, anh Hồ Việt Hải, đồng sáng lập Alternō cho biết, khả năng giữ nhiệt của cát đã được con người ứng dụng từ hàng ngàn năm trước.
Alternō là một trong 3 start-up chiến thắng tại Cuộc thi Thách thức Net Zero 2023 - cuộc thi tìm kiếm các giải pháp công nghệ chống biến đổi khí hậu, được tổ chức bởi Quỹ đầu tư Touchstone Partners và Temasek Foundation, phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Dự án cũng giành giải Innovation for Sustainable Growth (Đổi mới để tăng trưởng bền vững) tại Cuộc thi Startup Wheel 2023.
Về cấu tạo, pin cát Alternō là một thùng thép cách nhiệt, chứa đầy cát mịn bên trong. Phần lõi cát gồm những thanh thép được nối với nguồn điện bên ngoài để nung cát nóng đến 600 độ C, biến cát thành “kho nhiệt”. Ngoài ra, pin cát cũng được thiết kế đi kèm một con chip thông minh đặt trong lõi pin, cùng hàng loạt cảm biến xen giữa các lớp cát, từ đó gửi thông số về hoạt động của pin tới ứng dụng quản lý của
start-up và người sử dụng. Đây là công nghệ độc quyền, đã được start-up đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và Mỹ.
Tương tự các hệ thống pin cát trên thế giới, Hồ Việt Hải cho biết, pin cát Alternō lấy năng lượng từ các nguồn tái tạo tại chỗ như điện gió, điện mặt trời mái nhà, thậm chí cả điện lưới. Trong mùa hè, các doanh nghiệp có thể tranh thủ giá điện lưới thấp hơn vào ban đêm để nạp đầy năng lượng vào pin cát.
Công cụ giảm thải carbon
Như một mối duyên, Hồ Việt Hải chia sẻ, cả ba nhà sáng lập pin cát Alternō đều sinh năm 1985, cùng quan tâm vấn đề môi trường.
Sau khi Covid-19 kết thúc, Hồ Việt Hải dành hơn 1 năm sinh sống ở trên núi, tự chủ hoàn toàn trong vấn đề điện, nước sinh hoạt. Đây là lúc anh nhận ra, việc lưu trữ điện mặt trời trong viên pin lithium không mang lại hiệu quả. Pin lithium có thể cung cấp điện cho xe máy, ô tô điện, nhưng nếu dùng vào các hoạt động cần tới nhiệt năng như đun nước, nấu ăn, thì không ổn.
Đem mối băn khoăn về pin lithium chia sẻ với bạn mình là Kent Nguyễn, Hải biết được vấn đề có thể giải quyết bằng pin cát. Trong suốt thời gian Covid-19, Kent Nguyễn đã nghiên cứu các giải pháp năng lượng bền vững, nên tình cờ biết đến pin cát. Thay vì lưu trữ điện năng như pin lithium, pin cát sẽ lưu trữ nhiệt năng với chi phí thấp hơn, mà phạm vi ứng dụng vô cùng lớn.
Tháng 11/2022, giữa lúc TP.HCM đối mặt với vấn đề thiếu hụt xăng dầu, Hồ Việt Hải và Kent Nguyễn quyết định cùng nhau hiện thực hóa ý tưởng về pin cát. Họ mang ý tưởng tham gia Chương trình Ươm tạo dành cho các nhà khởi nghiệp của Quỹ đầu tư Antler. Tại đây, họ gặp Nguyễn Quốc Nam và mời anh tham gia.
Trong ba người, Kent Nguyễn đã có 10 dự án khởi nghiệp trong 20 năm qua trong lĩnh vực phần mềm. Hải và Nam, mỗi người đều có nhiều dự án khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ. Vì vậy, họ nhanh chóng vạch ra đường hướng phát triển là thị trường năng lượng tái tạo, hướng tới giảm phát thải carbon. Dự án gọi thành công vòng hạt giống trị giá 110.000 USD từ Quỹ Antler chỉ sau 10 tuần tham gia chương trình ươm tạo.
Suốt năm 2023, các nhà sáng lập dồn nhiều công sức để triển khai Dự án. Hồ Việt Hải cho biết, ở điều kiện thông thường, các máy móc đều hoạt động ổn định, nhưng khi lên tới 600-1.000 độ C, nhiều bộ phận bắt đầu có lỗi. Vì vậy, Alternō đã phải thực hiện hàng trăm thí nghiệm để điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với thực tế.
Đặc biệt, không chỉ phát triển phần cứng, Alternō còn tích hợp vào hệ thống một phần mềm do chính họ viết ra, có khả năng tính toán lượng carbon mà nhà máy giảm phát thải ra môi trường, từ đó có thể phát hành các tín chỉ carbon tương ứng. Hiện tại, Việt Nam chưa triển khai thị trường carbon bắt buộc. Nhưng với hệ thống pin cát tích hợp phần mềm tính toán có sẵn, doanh nghiệp hoàn toàn đủ dữ liệu để phát hành tín chỉ carbon, từ đó tăng thêm nguồn thu.
“Trước tình hình các quốc gia Liên minh châu Âu sẽ sớm đặt thuế carbon với sản phẩm nhập khẩu, tầm nhìn của chúng tôi không chỉ góp phần vào việc giảm phát thải carbon trong ngành nông nghiệp, mà còn giúp công ty Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thương trường quốc tế với các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xanh của thế giới“, đồng sáng lập Hồ Việt Hải khẳng định.
Hiện tại, Alternō tất bật lắp đặt hệ thống pin cát cho một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Từ nay đến cuối năm, Công ty sẽ triển khai thêm hợp đồng với doanh nghiệp Nhật Bản và Indonesia. Với sự ủng hộ của các đối tác, cùng vòng gọi vốn thành công trị giá 1,5 triệu USD vào đầu tháng 4/2024, start-up ngày càng vững tin vào sứ mệnh hướng tới giải pháp năng lượng bền vững của mình.