Hòa An đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, từ năm 2022 đến nay, huyện Hòa An đẩy mạnh đào tạo nghề, tăng cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu lao động nông thôn, tạo việc làm cho người lao động (NLĐ).
Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hòa An Trịnh Minh Khánh cho biết: Từ triển khai đồng bộ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, định hướng phân luồng hướng nghiệp cho học sinh THPT, THCS nên gia đình có con em trong độ tuổi lao động và thanh niên lao động nông thôn đã ý thức lựa chọn hướng nghiệp, học nghề phù hợp. Từ năm 2022 đến nay, huyện mở 73 lớp cho 2.133 lao động nông thôn học nghề ngắn hạn tại địa phương. Trong đó 43 lớp nhóm nghề về khuyến nông, khuyến lâm như: chăn nuôi gà, lợn hữu cơ; trồng ngô năng suất cao; trồng và nhân giống nấm; trồng cây làm gia vị (hành, tỏi, ớt); nhân giống và trồng khoai tây; nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò; sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi…; 30 lớp nghề phi nông nghiệp: sửa chữa điện dân dụng; may công nghiệp; sửa chữa máy nông nghiệp..., nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt trên 50%.
Chị Triệu Thị Xuyến, xóm 8, Bế Triều, thị trấn Nước Hai, học viên lớp sửa chữa điện dân dụng tại xóm 8 chia sẻ: Được cô giáo dạy “cầm tay chỉ việc” nên chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã biết lắp đặt và sửa chữa mạch điện trong gia đình, sửa chữa đồ dùng điện khác, rất thiết thực với nhu cầu nông thôn.
Từ đào tạo nghề theo nhu cầu của lao động nông thôn đăng ký, 80% NLĐ nông thôn được đào tạo nghề về khuyến nông, khuyến lâm và các nghề phi nông nghiệp, tự tạo được việc làm tại chỗ. Trung tâm được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép đào tạo 40 nghề, trong đó mở 7 nghề: trồng và nhân giống nấm; chăn nuôi gà, lợn hữu cơ; trồng ngô năng suất cao; trồng cây làm gia vị; nhân giống và trồng khoai tây; sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò… phù hợp với nhu cầu của bà con.
Theo chị Lê Thị Niệm, xóm Thanh Hùng, xã Hồng Việt, Thanh Hùng là xóm thuần nông nên tôi và bà con đăng ký học lớp “Kỹ thuật trồng ngô năng suất cao” với mong muốn tăng năng suất ngô. Sau khi tham gia lớp học nghề, tôi và bà con trong xóm ứng dụng hiệu quả kỹ thuật vào trồng vụ ngô xuân hè năm 2024 nên năng suất tăng hơn 1,5 lần so với trước đây.
Cùng với đào tạo nghề tại chỗ, huyện tích cực phối hợp với các cơ sở đào tạo, đơn vị tuyển dụng lao động tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh; tư vấn, tuyên truyền, cung cấp thông tin tuyển sinh học nghề; tham gia phiên giao dịch việc làm; tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, xuất khẩu lao động hàng nghìn lượt thanh niên và NLĐ. Qua đó, giúp NLĐ có việc làm và thu nhập, tích cực xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm 4 - 5% hộ nghèo/năm.
Thời gian tới, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tham mưu UBND huyện chỉ đạo ngành chuyên môn, xã, thị trấn đổi mới tuyên truyền chương trình giảm nghèo bền vững về nội dung và hình thức phù hợp với các đối tượng, giúp NLĐ thay đổi nếp nghĩ, cách làm về học nghề tạo việc làm ổn định tại chỗ và đáp ứng nhu cầu việc làm thị trường. Tăng cường kết nối mở rộng thị trường lao động việc làm cho NLĐ có cơ hội tiếp cận và tìm kiếm việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông thôn ra thành thị, khu công nghiệp. Đặc biệt đối với học sinh THPT, phải làm tốt công tác hướng nghiệp, tuyển sinh, phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT để học sinh lựa chọn nghề phù hợp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, tìm được việc làm ổn định. Lồng ghép các hoạt động giảm nghèo - việc làm và đào tạo nghề với việc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương.