Hòa bình cho Ukraine: Triển vọng từ một lệnh ngừng bắn

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 28/4 đã tuyên bố lệnh ngừng bắn đơn phương kéo dài 3 ngày tại Ukraine vào tháng 5, một động thái vấp phải sự hoài nghi của các quan chức Ukraine, và Kiev yêu cầu Điện Kremlin ngay lập tức chấp nhận đề xuất ngừng bắn dài hạn hơn của Mỹ.

Lệnh ngừng bắn nhân Ngày Chiến thắng

Moscow cho biết "tất cả các hành động quân sự" tại Ukraine sẽ bị đình chỉ từ nửa đêm 8/5 đến nửa đêm 11/5. Nga cho đây là một quyết định dựa trên những cân nhắc nhân đạo. Lệnh ngừng bắn được áp dụng nhân lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng Thế chiến II của Nga (9/5) và kỷ niệm 80 năm đánh bại Đức Quốc xã.

Đáp lại thông báo của Tổng thống Putin, Nhà Trắng tiếp tục thúc giục Moscow về một "lệnh ngừng bắn vĩnh viễn" - được đưa ra khi chính quyền Tổng thống Trump gia tăng áp lực buộc Moscow và Kiev phải đồng ý một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh.

Trước đó, ngày 27/4, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết thời điểm hiện tại "rất quan trọng" trong việc xác định liệu Mỹ có tiếp tục nỗ lực làm trung gian hòa giải hay không. “Trong khi hoan nghênh thiện chí tạm dừng xung đột của Tổng thống Putin thì Tổng thống Trump cũng đã nói rất rõ ràng rằng ông muốn ngừng bắn vĩnh viễn và đưa cuộc xung đột này đến một giải pháp hòa bình”, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Brian Hughes cho biết.

Đặc phái viên Steve Witkoff gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin, ngày 25/4.

Đặc phái viên Steve Witkoff gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin, ngày 25/4.

Tổng thống Ukraine Zelensky gọi tuyên bố ngừng bắn là một “nỗ lực thao túng”, chỉ ra rằng, mặc dù nhà lãnh đạo Điện Kremlin nói rằng ông muốn hòa bình, nhưng ông đã không chấp nhận đề xuất của Mỹ về lệnh ngừng bắn trong 30 ngày.

Thông báo ngừng bắn 3 ngày của Tổng thống Putin là một động thái tiếp nối được đưa ra hơn một tuần sau khi Điện Kremlin tuyên bố lệnh ngừng bắn kéo dài 30 giờ vào Lễ Phục sinh. Cả 2 lệnh ngừng bắn đều chỉ nhận được sự đồng ý một cách thận trọng từ Kiev, do hai bên vẫn chưa có được niềm tin lẫn nhau. Quân đội Ukraine sau đó cáo buộc Nga vi phạm lệnh ngừng bắn ngày 19/4 với hơn 2.900 cuộc tấn công dọc theo các tuyến tiền tuyến rộng lớn. Moscow cũng cáo buộc Ukraine nhiều lần phá vỡ lệnh ngừng bắn đó.

Các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Trump cho biết những tuần tới sẽ là thời điểm then chốt trong việc đàm phán chấm dứt chiến tranh đã kéo dài hơn 3 năm qua. "Chúng tôi đã gần đạt được, nhưng chưa đủ gần", Ngoại trưởng Rubio phát biểu trên chương trình "Meet the Press" của NBC vào hôm 27/4, sau cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov. Moscow mô tả đó là "cuộc trao đổi quan điểm có hiệu quả" giữa hai bên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng ngày càng thất vọng về những nỗ lực không thành công trong việc làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình trong mục tiêu tự đặt ra của ông là 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống. Ngày 27/4, ông đã đưa ra những chỉ trích gay gắt đối với Tổng thống Putin trong một số bình luận mạnh mẽ nhất của ông cho đến nay, thúc giục người đồng cấp Nga "hãy ngừng bắn, ngồi xuống và ký một thỏa thuận". "Tôi tin rằng chúng ta có những giới hạn của một thỏa thuận, tôi muốn ông ấy ký nó và hoàn thành nó và trở lại cuộc sống bình thường", ông Trump nói.

Rất gần một thỏa thuận?

Hãng tin CNN đưa tin rằng có 2 tầm nhìn khác nhau về một thỏa thuận hòa bình là trọng tâm của các cuộc đàm phán gần đây: một được Ukraine và các đồng minh châu Âu ủng hộ và một được chính quyền ông Trump ủng hộ. Một quan chức châu Âu quen thuộc với các bản dự thảo khác nhau cho biết đề xuất của Ukraine và châu Âu hình dung về lệnh ngừng bắn sau đó là các cuộc thảo luận về lãnh thổ, với việc Kiev nhận được các bảo đảm quốc phòng từ các đồng minh của mình theo hướng tương tự như những bảo đảm được nêu trong Điều 5 của NATO. Còn phiên bản của đặc phái viên Witkoff thì đề xuất Mỹ công nhận Crimea là của Nga, "bảo đảm an ninh mạnh mẽ" cho Ukraine, Kiev không gia nhập NATO và các lệnh trừng phạt đối với Nga được dỡ bỏ, quan chức này cho biết.

Việc công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea, bán đảo phía Nam Ukraine mà Moscow đã sáp nhập vào năm 2014, sẽ vượt qua một ranh giới đỏ lớn đối với Ukraine và các đồng minh châu Âu của nước này. Nó cũng sẽ đảo ngược chính sách của Mỹ đối với Ukraine trong khoảng một thập kỷ qua. Tổng thống Ukraine Zelensky đã bác bỏ ý tưởng này, nói rằng "không có gì để nói" vì sự công nhận như vậy sẽ vi phạm Hiến pháp Ukraine. Mỹ đã gây thêm áp lực lên Ukraine sau khi đe dọa rằng Washington có thể rút khỏi các cuộc đàm phán "trong vòng vài ngày" nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận.

Tuy vậy, Tổng thống Trump cũng cho biết Nga và Ukraine đang "rất gần với một thỏa thuận" sẽ chấm dứt cuộc chiến kéo dài 3 năm, sau khi đặc phái viên của ông gặp Tổng thống Putin trong các cuộc đàm phán mà Moscow cho biết là "mang tính xây dựng và rất hữu ích". "Một ngày tốt lành trong các cuộc đàm phán và họp với Nga và Ukraine. Họ rất gần với một thỏa thuận và hai bên hiện nên gặp nhau, ở cấp rất cao, để 'kết thúc nó'", Tổng thống Trump viết trên Truth Social sau khi hạ cánh tại Rome để dự tang lễ của Giáo hoàng Francis.

Đặc phái viên Steve Witkoff của ông Trump đã dành 3 giờ để gặp Tổng thống Putin tại Điện Kremlin vào ngày 25/4, trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov nói với các phóng viên sau cuộc họp, đồng thời nói thêm rằng các cuộc đàm phán "mang tính xây dựng và rất hữu ích".

Chuyến đi của ông Witkoff tới Nga, chuyến đi thứ tư của ông kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, diễn ra vào thời điểm quan trọng. "Cuộc trò chuyện này đã giúp các lập trường của Nga và Mỹ xích lại gần nhau hơn, không chỉ về vấn đề Ukraine mà còn về một số vấn đề quốc tế khác", ông Ushakov nói với các phóng viên báo chí qua điện thoại.

Trương Hùng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/hoa-binh-cho-ukraine-trien-vong-tu-mot-lenh-ngung-ban-i767218/