Hòa Bình: Điểm tên những hạn chế trong hoạt động khai thác khoáng sản

Hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn huyện Lương Sơn được đánh giá là góp phần tích cực cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, những hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện Lương Sơn còn nhiều hạn chế được chỉ ra, cần khắc phục.

Thực hiện chỉ đạo về việc rà soát, báo cáo tình hình tuân thủ quy định pháp luật trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn huyện Lương Sơn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lương Sơn xác định hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện hiện nay với 46 mỏ được cấp phép khai thác (trong đó, 38 mỏ đang hoạt động và 2 mỏ đang được thực hiện xây dựng cơ bản).

Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng chỉ ra nhiều tồn tại cần được xử lý đối với hoạt động khai tác, chế biến tại các mỏ đá.

Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng chỉ ra nhiều tồn tại cần được xử lý đối với hoạt động khai tác, chế biến tại các mỏ đá.

Theo đánh giá của Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Lương Sơn, hoạt động khoáng sản trên địa huyện đã góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình nói chung và huyện Lương Sơn nói riêng. Góp phần làm tăng thu ngân sách nhà nước, giải quyết lao động và việc làm, cải thiện thu nhập cho một bộ phận người lao động địa phương. Tuy nhiên, những hoạt động khai thác đá này đã gây chấn động xung quanh khu vực khai thác, gây mất an toàn và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự khi tiến hành nổ mìn với khối lượng lớn. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác, chế biến đã phá vỡ cảnh quan, gây ô nhiễm, suy giảm môi trường tự nhiên, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân cư, đời sống văn hóa, truyền thống địa phương bị tác động và gây phức tạp tình hình xã hội.

Nguyên nhân còn được xác định là do các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa chấp hành nghiêm túc đối với công tác bảo vệ môi trường hoặc chấp hành chưa đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường và các nội dung theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Việc không chấp hành đầy đủ các yêu cầu này đã dẫn đến ô nhiễm khói, bụi, tiếng ồn do không lắp đặt hệ thống phun nước dập bụi tại các hàm nghiền, hệ thống phun sương tại các đầu băng tải hoặc có lắp đặt nhưng không vận hành thường xuyên. Một số đơn vị hệ thống phun sương không đáp ứng yêu cầu dập bụi do bán kính dập bụi thấp, chưa thường xuyên tưới nước rửa đường dập bụi từ khu vực khai thác, chế biến đá ra các tuyến đường đi tiêu thụ.

Tình trạng đá rơi vãi do quá trình vận chuyển trong hoạt động giao thông chưa được quan tâm, thu dọn, các phương tiện vận chuyển chở quá khổ, quá tải, không được che chắn. Cây xanh chưa được bố trí trồng quanh khu vực khai thác, chế biến. Một số đơn vị còn có tình trạng hoạt động quá khung giờ quy định. Một số doanh nghiệp chưa xây dựng rãnh, mương thu nước mưa chảy tràn vào hồ lắng trước khi thoát ra môi trường hoặc có bố trí nhưng không đảm bảo yêu cầu thực tế tại mỏ.

Đặc biệt, việc khai thác không đúng theo hồ sơ thiết kế mỏ được phê duyệt, không tuân thủ và chấp hành quy định về an toàn lao động. Một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác, chế biến có khoảng cách chưa đảm bảo đối với các hộ dân sinh sống xung quanh dự án do đó các hoạt động tác động như nổ mìn, khói bụi trong quá trình nghiền đập đá đã ảnh hưởng tới đời sống dân sinh…

Nhiều trường hợp bị người dân cản trở vì cho rằng hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển của các đơn vị không đảm bảo, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống khu dân cư.

Nhiều trường hợp bị người dân cản trở vì cho rằng hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển của các đơn vị không đảm bảo, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống khu dân cư.

Qua công tác kiểm tra, rà soát và đánh giá, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lương Sơn kiến nghị UBND tỉnh không xem xét cấp phép các mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn huyện; xem xét chấm dứt hoạt động, thu hồi đối với các mỏ không triển khai, triển khai hoạt động không hiệu quả, chây ì thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc có nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động.

Nhiều mỏ đá vi phạm đã bị xử lý

Vừa qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành văn bản, tạm dừng hoạt động khai thác tại mỏ đá tại xã Liên Sơn (huyện Lương Sơn) đối với Công ty TNHH Thương mại Nam Phương do gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động khai thác, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp khai thác đá có phát sinh bụi làm ảnh hưởng đến các hộ dân; không lắp đặt trạm cân tại kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan; vượt quá 10% một trong các thông số hệ thống khai thác gồm: Chiều cao tầng, góc sườn tầng; không khai báo khi đưa vào sử dụng 6 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động...

UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã ban hành các Quyết định xử phạt hành chính số tiền 220 triệu đồng đối với Công ty TNHH 68 Hòa Bình với các hành vi vi phạm như: Không lắp đặt hệ thống camera giám sát tại khu vực vận chuyển đá nguyên khai theo quy định; Không lắp đặt trạm cân tại kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan; Khai thác khoáng sản không có thiết kế mỏ theo quy định (không có bản vẽ thi công điều chỉnh được thẩm định).

Đối với các lỗi: Không lắp đặt hệ thống camera giám sát tại khu vực vận chuyển đá nguyên khai theo quy định; không lắp đặt trạm cân tại kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan; không thông báo bằng văn bản ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ hoặc ngày bắt đầu khai thác cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép; khai thác vượt 10% một trong các thông số của hệ thống khai thác như chiều cao tầng, góc dốc sườn tầng; khai thác khoáng sản không có thiết kế mỏ theo quy định… nên Công ty TNHH Thành Lợi cũng đã bị UBND tỉnh Hòa Bình xử phạt tổng số tiền là 308 triệu đồng.

Thành Dân - Hoàng Sa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hoa-binh-diem-ten-nhung-han-che-trong-hoat-dong-khai-thac-khoang-san-5714520.html