Hòa Bình: Nông dân trồng cam Cao Phong phấn khởi vì được mùa, được giá
Dự kiến sản lượng thu hoạch cam niên vụ 2023-2024 trên địa bàn huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đạt khoảng 18.000-20.000 tấn, giá bán tại vườn dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg.
Những ngày cuối tháng 11/2023, trên thủ phủ đất cam huyện Cao Phong (Hòa Bình), người dân nơi đây phấn khởi, nô nức thu hoạch những vườn cam trĩu quả, vàng ươm, thơm ngọt.
Mùa vụ năm nay, cam Cao Phong đạt năng suất cao, chất lượng ổn định. Giá bán tại vườn dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg. Sản phẩm đang được tiêu thụ mạnh trên các thị trường trong và ngoài tỉnh.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Cao Phong, toàn huyện có trên 1.740ha cây ăn quả có múi; trong đó, diện tích trồng cam trên 1.350ha; diện tích thời kỳ kinh doanh gần 1.330ha; diện tích cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP 536ha.
Dự kiến sản lượng thu hoạch cam niên vụ 2023-2024 đạt khoảng 18.000-20.000 tấn.
Cam lòng vàng Cao Phong được biết đến có vị ngọt, mọng nước, quả màu vàng đậm tự nhiên với cùi dày và thơm đặc trưng. Đây là một thương hiệu nông sản của tỉnh Hòa Bình được trồng nhiều tại các vườn trồng trên địa bàn thị trấn Cao Phong và các xã Tây Phong, Dũng Phong, Bắc Phong...
Tại các Hợp tác xã trồng cam Cao Phong theo tiêu chuẩn VietGAP, ngay từ khi bắt đầu mùa vụ, các nhà vườn thành viên đã thực hiện quy trình chăm sóc cây cam nghiêm ngặt với quy trình hoàn toàn hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học.
Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong cho biết các vườn thành viên của Hợp tác xã đã bắt đầu thu hoạch cam từ đầu tháng 11, sản phẩm cam tươi trước khi đến tay người tiêu dùng đã được áp dụng quy trình chăm sóc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
Cam Cao Phong khi thu hoạch về sẽ được sục rửa bằng máy tạo ozone và được chọn lọc kỹ càng tại cơ sở chế biến của Hợp tác xã trước khi đóng gói.
Sản phẩm cam Cao Phong của Hợp tác xã 3T Farm có mẫu mã đẹp thích hợp làm quà tặng, được khách hàng tin tưởng, ưa chuộng dù giá bán có cao hơn giá thị trường khoảng 45.000-50.000 đồng/kg.
Tại nhà vườn bà Mai Thị Hạnh, xã Tây Phong (Cao Phong), năm nay gia đình bà trồng được 2 ha cam Cao Phong, dự kiến sản lượng thu hoạch đạt khoảng 15-20 tấn quả.
Bà Hạnh chia sẻ: "Gia đình tôi sẽ tiếp tục duy trì diện tích trồng Cam hiện có, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc nghiêm túc tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước góp phần giữ gìn và nâng cao chất lượng thương hiệu cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình.”
Hội người trồng cam Thị trấn Cao Phong nhiều năm qua đã đồng hành cùng những hộ trồng cam thông qua cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cam góp phần duy trì diện tích trồng tại địa phương.
Hội viên Bùi Thị Lan chia sẻ từ nhiều năm nay, gia đình đã áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích gần 2ha trồng cam. Năm nay, giá cam bán tại vườn của gia đình dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg. Với lợi thế nằm cạnh đường quốc lộ 6 qua địa phận thị trấn Cao Phong, vườn cam của gia đình bà đã đón nhiều đoàn khách du lịch vào tham quan, trải nghiệm, qua đó du khách chính là những khách hàng tiềm năng sẵn sàng mua cam ngay tại vườn của gia đình.
Anh Nguyễn Chung, một người chuyên mua cam Cao Phong giá gốc tại các vườn cho biết, năm nay cam Cao Phong được mùa, quả to và đẹp. Khi phân phối lại tại các chợ đầu mối, cam Cao Phong được người dân mua nhiều, bởi tin tưởng chất lượng cam tươi ngon, được trồng chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Với hương vị đặc trưng, khó có thể nhầm lẫn với các loại cam khác cam Cao Phong từ lâu đã là một thương hiệu nông sản chất lượng cao của tỉnh Hòa Bình.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cao Phong Bùi Văn Dán chia sẻ thực hiện Đề án tái canh cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, những năm qua chính quyền huyện Cao Phong tập trung thực hiện tái canh cây cam, chú trọng duy trì vùng trồng cam chất lượng cao đạt chuẩn VietGAP, xây dựng cánh đồng mẫu trồng cam kết hợp du lịch tham quan trải nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến, đa dạng các sản phẩm từ cam.
Chính quyền huyện Cao Phong đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân chung tay giữ gìn thương hiệu cam Cao Phong; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi ảnh hưởng đến thương hiệu của địa phương.
Với chất lượng đã được khẳng định trong nhiều năm, cam Cao Phong luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh cũng như với du khách. Vì thế, huyện Cao Phong đang triển khai đồng bộ các giải pháp để khai thác các giá trị của cây cam; trong đó, biến nông sản đặc trưng thành một thương hiệu du lịch có nhiều sức hút, để ngày càng có nhiều khách du lịch tìm đến đây tận hưởng vị ngọt thơm của cam Cao Phong./.