Hòa Bình: Phòng, chống tệ nạn xã hội và thúc đẩy bình đẳng giới
Trong những năm qua, các các cấp Hội Phụ nữ của tỉnh Hòa Bình đã có nhiều hoạt động tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội và thúc đẩy bình đẳng giới.

Báo cáo viên Công an tỉnh Hòa Bình trao đổi các nội dung về tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội tới chị em hội viên
Chú trọng công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội
Hội LHPN tỉnh Hòa Bình luôn xác định công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội (TNXH) là nhiệm vụ quan trọng. Từ nhận thức đó, các cấp Hội Phụ nữ đã tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ hội viên, phụ nữ và nhân dân về phòng, chống ma túy, phòng chống tội phạm; tập trung quản lý, giáo dục người thân trong gia đình, hạn chế những nguyên nhân phát sinh tội phạm, góp phần bảo đảm trật tự xã hội tại địa phương.
Với phương châm "Phòng ngừa là chính", các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sáng tạo, đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền. Theo đó, các nội dung tuyên truyền liên quan đến phòng, chống mua bán người; chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em; nói không với thuốc lá điện tử; bảo vệ an ninh Tổ quốc… được xây dựng phù hợp với từng nhóm đối tượng và được lồng ghép vào các cuộc thi, giao lưu, sân khấu hóa, sinh hoạt chi bộ, câu lạc bộ…
Kết quả, trong năm 2024, các cấp Hội tỉnh Hòa Bình đã tổ chức tuyên truyền trên 624 cuộc, thu hút 83.120 lượt người tham dự. Qua các hoạt động giúp cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao tinh thần cảnh giác trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và TNXH, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh, trật tự ở địa phương.
Cùng với đó, các cấp Hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền trong các trường học. Mô hình câu lạc bộ (CLB) "Thủ lĩnh của sự thay đổi" được Hội LHPN các cấp phối hợp ngành giáo dục thành lập tại 10 huyện/thành phố thu hút trên 2.300 em học sinh tham gia.
Thông qua các hoạt động của mô hình đã cung cấp cho các em kiến thức và các kỹ năng sống cần thiết để giúp các em có thể phòng tránh được những nguy cơ, rủi ro và khả năng ứng xử tốt với các tình huống trong cuộc sống, phòng tránh các nguy cơ bị xâm hại, nguy cơ bạo lực học đường, phòng, chống TNXH, đặc biệt là ma túy.

Hội viên phụ nữ xã Pà Cò (huyện Mai Châu, Hòa Bình) tham gia hoạt động tại lớp tập huấn tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội và thúc đẩy bình đẳng giới.
Mở rộng các hoạt động an sinh
Trong hoạt động an sinh xã hội, các cấp Hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ cho trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em có điều kiện tiếp tục đến trường và tạo môi trường sống tốt để phát triển.
Thông qua Chương trình "Mẹ đỡ đầu", trong năm 2024 các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Hòa Bình đã nhận đỡ đầu và vận động các tổ chức/doanh nghiệp nhận đỡ đầu được 98 trẻ mồ côi.
Đến thời điểm hiện tại các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã nhận và vận động nhận đỡ đầu 446 trẻ mồ côi có có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 14/14 trẻ mồ côi cha/mẹ do dịch Covid-19. Tổng giá trị tiền mặt và quà tặng đã vận động hỗ trợ được là hơn 2 tỷ đồng.
Hoạt động của chương trình không chỉ mang tính nhân văn sâu sắc, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các em phát triển, có tương lai tốt đẹp, không bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia các tệ nạn xã hội.
Không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, các cấp Hội còn quan tâm duy trì hoạt động của các mô hình, điển hình như: Mô hình Câu lạc bộ "5 không 3 sạch", mô hình "Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em", mô hình "Chi hội phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật và mắc TNXH", mô hình "Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng", mô hình "Phụ nữ Công giáo tham gia tổ chức Hội"…
Đặc biệt, để góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương, cơ sở, Hội LHPN cơ sở đã phân công, giới thiệu cán bộ, hội viên nòng cốt tại các thôn, làng, bản, tổ dân phố tham gia tổ hòa giải. Với cách làm này, trong năm 2024, các cấp Hội tham gia hòa giải 43 vụ mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn làng xóm, tranh chấp đất đai...
Các mô hình do Hội chủ trì và xây dựng có vai trò nòng cốt trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội...
Hoạt động của các mô hình, CLB đã mang lại những lợi ích thiết thực, giúp cho các thành viên được tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, góp phần trong công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Ngoài ra, cùng với sự tham gia hỗ trợ của các ngành, các cấp Hội đã triển khai nhiều mô hình sinh kế, mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ tại địa phương. Trong năm 2024, các cấp Hội đã trợ thành lâp 7 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, tham gia quản lý; 9 tổ hợp tác; 37 tổ liên kết, 10 mô hình sinh kế. Nhờ đó, phụ nữ nghèo trên địa bàn có địa chỉ tin cậy, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.