Hòa bình Trung Đông rơi vào ngõ cụt do căng thẳng Gaza-Israel?
Cuộc họp ngày 15/5 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chứng kiến màn khẩu chiến và phản biện dữ dội giữa đại diện Israel- Palestine.
Trong bối cảnh xung đột tại biên giới giữa Dải Gaza với Israel ngày càng nóng bỏng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 15/5 đã tiến hành họp khẩn nhằm giải quyết tình hình căng thẳng tại đây. Israel đang hứng chịu không ít những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế khi nhiều nước đang đồng loạt lên án hành động của Tel Aviv, hối thúc đưa ra các biện pháp xoa dịu căng thẳng, đồng thời kêu gọi điều tra cái chết của người biểu tình Palestine.
Cuộc họp ngày 15/5 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chứng kiến màn khẩu chiến và phản biện dữ dội giữa đại diện Israel- Palestine. Phát biểu tại cuộc họp này, Phó Đại sứ thứ nhất của Phái đoàn thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc, ông Dmitry Polyanskiy nhấn mạnh cam kết rằng Nga sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho giải pháp hai nhà nước đã được cộng đồng quốc tế chấp thuận để giải quyết xung đột giữa Israel- Palestine.
Nga đồng thời kêu gọi tất cả các bên tránh những bước đi làm xấu thêm tình hình. Cũng theo vị quan chức này, Nga sẵn sàng đứng ra chủ trì một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Israel- Palestine để tái khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên. Những tuyên bố này được đưa ra không lâu sau khi Điện Kremlin hối thúc các quốc gia, đặc biệt là nhóm Bộ Tứ trung gian hòa giải Trung Đông kiềm chế các hành động có thể thổi bùng căng thẳng tại khu vực.
Điều phối viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Nickolay Mladenov cũng vừa lên tiếng cảnh báo cần sớm chấm dứt vòng xoáy bạo lực tại Dải Gaza, hoặc nếu không nó có thể kéo theo những cuộc đối đầu đẫm máu khác.
Trong khi đó, Trưởng công tố Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) Fatou Bensouda đã cam kết sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình bạo lực tại Dải Gaza và sẽ triển khai "mọi hành động hợp pháp" nhằm truy tố các tội phạm.
Bất chấp lời khẳng định của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng, binh lính nổ súng tại biên giới là “hành động tự vệ của một quốc gia có chủ quyền” trước ý định của phong trào Hamas nhằm “xâm phạm và phá hủy nhà nước Israel, nhưng việc Tel Aviv sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình Palestine vẫn chứng kiến sự công kích ngày càng mạnh mẽ của quốc tế.
Thủ tướng Anh Theresa May hôm 15/5 nhấn mạnh: “Tổn thất những sinh mạng mà chúng ta vừa chứng kiến ở biên giới Israel- Gaza là cực kỳ bi thảm và đáng quan ngại. Bạo lực đang phá hoại những nỗ lực kiến tạo hòa bình và chúng tôi kêu Israel cần kiềm chế. Cần làm rõ sự thật về những gì xảy ra ngày 15/5 thông qua một cuộc điều tra độc lập và minh bạch, bao gồm việc lý giải tại sao vũ lực được sử dụng và vai trò của Hamas trong những sự kiện này là gì.”
Ngoài Anh, lãnh đạo các nước Đức, Ireland và Bỉ cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc mở một cuộc điều tra độc lập về xung đột đẫm máu giữa lực lượng Israel và người biểu tình Palestine vừa qua.
Cảnh báo tình trạng bạo lực leo thang trên dải Gaza có nguy cơ bùng phát một cuộc chiến, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian thậm chí còn ví von tình hình tại Trung Đông như "thùng thuốc nổ". Trong khi Iran nhất trí với quan điểm rằng các quan chức Israel nên bị xét xử như những tội phạm chiến tranh vì những cuộc tàn sát đẫm máu đối với người biểu tình Palestine.
Phản ứng về hành động trấn áp bằng vũ lực của lực lượng vũ trang Israel, chính phủ Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng đưa ra phản ứng cứng rắn với quyết định triệu hồi đại sứ các nước này tại Israel. Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao khi Thổ Nhĩ Kỳ lại vừa tiếp tục trục xuất đại sứ Israel khỏi nước này, đồng thời yêu cầu Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) nhóm họp vào ngày 19/5 tới để xem xét lại quan hệ với Israel.
Rõ ràng, triển vọng mang lại hòa bình cho Trung Đông ngày càng trở nên xa vời thêm vì một loạt vấn đề “nóng” trong khu vực đang đi vào ngõ cụt. Ngoài cuộc nội chiến Syria kéo dài suốt 7 năm chưa nhìn thấy hồi kết, thêm sự kiện gây chấn động liên quan tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và chuyển đại sứ quán về Jerusalem, thì việc xung đột Israel - Palestine vừa trải qua ngày đẫm máu nhất kể từ cuộc chiến Gaza năm 2014 lại càng khiến cho con đường đưa Trung Đông tiến gần hơn tới một nền hòa bình trở nên chông gai, trắc trở hơn.
Đúng như giới chuyên gia nhận định, thật khó để đưa Palestine quay trở lại bàn đàm phán với Israel sau những gì xảy ra hôm 14/5 vừa qua, đặc biệt là khi dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ dường như đã bỏ quên hoài bão làm trung gian cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông./.