Hòa Bình - vùng đất sử thi, địa chiến lược: Bài 2 - Vùng đất của sử thi và huyền thoại
Vùng đất, con người Hòa Bình đã gắn liền với lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam nói riêng. Vùng đất này còn được ví là miền đất của sử thi, huyền thoại với các trường ca
Vùng đất, con người Hòa Bình đã gắn liền với lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam nói riêng. Vùng đất này còn được ví là miền đất của sử thi, huyền thoại với các trường ca "Đẻ đất, đẻ nước”, "Nàng Nga hai mối”, "Út Lót Hồ Liêu”, "Vườn hoa núi Cối”...

Người dân Hòa Bình có những đặc trưng riêng về ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán và những làn điệu dân ca "ngọt như mật ong, trong như dòng suối”. Ảnh: Các nghệ nhân xã Vũ Bình (Lạc Sơn) hát đối giao duyên.
Miền đất sử thi giàu bản sắc
Được mệnh danh "miền đất sử thi”, Hòa Bình là nơi sinh sống tập trung của các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông... Cũng vì thế, nơi đây sở hữu nhiều nét văn hóa độc đáo. Từ dấu ấn của nền "Văn hóa Hòa Bình” đến những lễ hội dân gian truyền thống hay các làn điệu dân ca đặc sắc. Tỉnh còn sở hữu số lượng lớn di sản, gồm 786 di sản văn hóa và khoảng 600 di tích lịch sử văn hóa, nổi bật nhất là 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: nghệ thuật chiêng Mường, mo Mường, tri thức dân gian lịch tre và lễ hội truyền thống Khai hạ, cùng 2 di tích quốc gia đặc biệt hang xóm Trại và mái đá làng Vành (Lạc Sơn); những lễ hội dân gian giàu bản sắc văn hóa dân tộc như lễ hội xuống đồng, hội cầu mưa, hội đi săn, hội đánh cá, lễ rửa lá lúa, lễ cơm mới, lễ nạ mạ, lễ cầu mát, lễ nhóm lửa... Trải qua quá trình hình thành và phát triển, cư dân Hòa Bình có những đặc trưng riêng về ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán và những làn điệu dân ca "ngọt như mật ong, trong như dòng suối”, tạo nhiều ấn tượng về nét văn hóa truyền thống đặc sắc trong bức tranh văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Hòa Bình tiếp tục được gìn giữ và phát huy. Trong đó có những lễ hội văn hóa đặc trưng trong đời sống sinh hoạt lưu truyền từ xa xưa, trở thành nét đặc sắc, riêng có về tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa nghệ thuật truyền thống. Như lễ khuống mùa (xuống đồng), sắc bùa, chá chiêng, đu tre... cầu cho mùa màng bội thu, bao hàm nhiều ý nghĩa nhân văn. Lễ hội của các dân tộc ở Hòa Bình gắn liền với đời sống xã hội của các cộng đồng dân cư tồn tại lâu đời trên mảnh đất này. Những cộng đồng người Mường có mối quan hệ hết sức gần gũi với thiên nhiên, nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc còn lưu giữ được đến ngày nay.
Chiều sâu lịch sử
Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, lịch sử của tỉnh Hòa Bình không phải chỉ được tính từ năm 1886, theo Dụ thành lập tỉnh Mường của Kinh lược Bắc Kỳ, lịch sử của vùng đất này phải tính từ khi con người thời tiền sử đã sinh sống cách nay hàng nghìn năm, hàng vạn năm trong các hang động, mái đá. Bởi ngay từ khi vùng đồng bằng Bắc Bộ còn là đầm lầy, biển cả thì trong các thung lũng ở Hòa Bình đã hình thành một trung tâm văn hóa - Văn hóa Hòa Bình. Nền văn hóa này có niên đại cách ngày nay từ 18.000 năm đến khoảng 7.500 năm. Hòa Bình cũng là nơi duy nhất ở Việt Nam tìm thấy dấu tích nghệ thuật của con người thời "Văn hóa Hòa Bình”. Đó là bức vẽ hình mặt người và 3 đầu con thú ăn cỏ trên vách hang Đồng Nội, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy). Có thể nói, nền văn hóa này ra đời sớm và phát triển rực rỡ nhất ở vùng đất Hòa Bình. Cùng với đó, chế độ công xã nguyên thủy cũng được hình thành trong thời kỳ Văn hóa Hòa Bình, đó là thời kỳ của các bộ lạc, thị tộc và các thủ lĩnh bộ lạc, thủ lĩnh thị tộc.
Khi đã biết đến sản xuất nông nghiệp, con người dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào tự nhiên. Từ trong hang động, con người cổ xưa trên vùng đất Hòa Bình bước ra tạo lập cuộc sống trên các gò đồi ven sông, suối. Ngoài công cụ sản xuất chủ yếu bằng đá, con người đã biết đến kim loại, sử dụng đồng, sắt làm công cụ. Cũng từ đây, loài người bước sang thời đại kim khí, gồm các giai đoạn phát triển từ thấp lên cao, từ văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun (hay còn gọi là thời kỳ tiền Đông Sơn) đến đỉnh cao là nền Văn hóa Đông Sơn. Trong đợt khai quật tại di tích hang Chổ, xã Cao Sơn (Lương Sơn), các nhà khoa học phát hiện một ngôi mộ táng thuộc Văn hóa Phùng Nguyên cách ngày nay trên 4.000 năm. Đến nay ở Hòa Bình đã phát hiện 3 khu vực ven các dòng sông có di vật của Văn hóa Đông Sơn tại huyện Lạc Thủy, Mai Châu và Đà Bắc. Hiện vật tìm thấy gồm trống đồng, rìu, lưỡi giáo, mũi lao. Tại di tích hang xóm Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn), trong đợt khai quật năm 2006 đã tìm thấy nhóm hiện vật là các mảnh gốm của thời tiền Đông Sơn. Những di vật tìm thấy tại các địa điểm trên phần nào xác định được vùng ảnh hưởng của Văn hóa Đông Sơn dọc theo thượng lưu các sông lớn như sông Đà, sông Mã, sông Bưởi. Từ nghiên cứu cho thấy, từng có một bộ phận cư dân Đông Sơn đến cư trú trên địa bàn tỉnh, với số lượng không nhỏ về công cụ sản xuất, vũ khí và 11 chiếc trống Đông Sơn được phát hiện đã chứng tỏ sự có mặt khá sớm của Văn hóa Đông Sơn ở vùng đất này.
Trong giai đoạn nghìn năm Bắc thuộc, các tư liệu nói về vùng đất Hòa Bình hầu như không có. Bởi đây là vùng rừng núi, người Hán ít có khả năng vươn tới để cai trị và đồng hóa. Do vậy, có thể nói đây là địa bàn ít chịu ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai. Bước sang thời kỳ lịch sử trung đại, tương ứng với lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, lịch sử thời kỳ này ở Hòa Bình khá mờ nhạt, còn thiếu nhiều tư liệu, được nằm lẫn trong bức tranh của lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, cùng tồn tại song hành với chế độ phong kiến trung ương tập quyền, người Mường duy trì chế độ xã hội lang đạo cai trị dân Mường. Các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật, nghiên cứu các di tích mộ Mường ở các huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn, Cao Phong. Kết quả khai quật thu được nhiều tư liệu quan trọng, góp phần tìm hiểu lịch sử của dân tộc Mường, từ phân tầng xã hội đến táng tục và xã hội. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, thời kỳ đó, dưới chế độ lang đạo hà khắc nhưng vẫn có nền kinh tế mở thông qua các hiện vật gốm sứ là đồ tùy táng có nguồn gốc gốm sứ Việt Nam và gốm sứ Trung Quốc, Nhật Bản. Cũng thông qua các cuộc khai quật, nghiên cứu phần nào khẳng định người Mường và người Kinh cùng chung một nguồn cội, lịch sử gọi là người Việt cổ hay Việt - Mường.
Theo các nhà nghiên cứu, điều đáng tự hào không chỉ là chủ nhân của nền văn hóa nổi tiếng thế giới, người Mường còn là chủ nhân những tác phẩm văn học nghệ thuật đặc sắc. Tiêu biểu nhất phải kể đến sử thi "Đẻ đất đẻ nước”, các truyện thơ "Nàng Nga hai mối”, "Út Lót Hồ Liêu ”, "Vườn hoa núi Cối”, cùng kho tàng truyện dân gian, ca dao, tục ngữ, làn điệu dân ca, dân vũ, âm nhạc cồng chiêng và các tri thức dân gian đồ sộ khác. Dù không có chữ viết, nhưng bằng nhiều cách, các tác phẩm văn học được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được gìn giữ đến ngày nay. "Với chiều sâu lịch sử lên tới hàng vạn năm, nhiều nền văn hóa đã nảy sinh và phát triển rực rỡ trên mảnh đất Hòa Bình. Đó cũng chính là cơ sở để coi vùng đất này là miền đất của sử thi và huyền thoại”, Giáo sư sử học Lê Văn Lan nhấn mạnh.
(Còn nữa)