Hoa cúc khoe sắc tại Nam Ban

Anh Võ Đức Cường (tổ dân phố Từ Liêm 2) là người đầu tiên đưa hoa cúc về trồng tại thị trấn Nam Ban (Lâm Hà), với diện tích 1,2 ha canh tác, đem lại thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, anh còn chia sẻ kinh nghiệm canh tác cũng như đầu ra sản phẩm cho thanh niên địa phương.

Anh Võ Đức Cường là một trong những người đầu tiên đưa hoa cúc về Nam Ban, đem lại thu nhập cao

Anh Võ Đức Cường là một trong những người đầu tiên đưa hoa cúc về Nam Ban, đem lại thu nhập cao

Hơn 5 năm trước, anh Cường mở vựa thu mua hoa tại làng hoa Vạn Thành (Phường 5, TP Đà Lạt). Do thời giá bấp bênh, làm ăn không có lãi nên anh quyết định nghỉ làm và trăn trở tìm kiếm mô hình phù hợp để phát triển kinh tế gia đình.

Nhận thấy quỹ đất ở Nam Ban còn rất nhiều và chất đất lại tốt hơn so với ở Đà Lạt, nên năm 2017, anh mạnh dạn về tổ dân phố Từ Liêm 2 để thuê đất trồng hoa nhà kính. Anh lựa chon hoa cúc để phát triển bởi trước đây khi đi buôn hoa, anh biết thị trường đang cần và thiếu gì, đồng thời cúc là loại hoa mang lại lợi nhuận và ít rủi ro.

Ban đầu, anh thuê 7 sào đất để dựng nhà kính trồng hoa cúc ứng dụng công nghệ cao. Cũng như bao người “tay ngang” về trồng hoa, anh đã trải qua không ít khó khăn từ dịch bệnh phải nhổ hết vườn, đến dịch COVID-19 hoa không tiêu thụ được. Anh kể, từng là chủ vựa thu mua hoa nên anh nắm rất rõ lý thuyết cách trồng và chăm sóc các loại hoa do nông dân truyền lại. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, đặc biệt là với trồng diện tích lớn, anh gặp nhiều bài học xương máu. Do khí hậu, thổ nhưỡng của Nam Ban khác so với Đà Lạt nên canh tác và chăm sóc cũng khác, dịch bệnh hoành hành, cây phát triển kém..., nặng nhất là vào đầu năm 2018, vườn cây đang lên xanh tốt chuẩn bị cho ra hoa thì bọ trĩ xâm nhập khiến hoa hư hại phải nhổ bỏ toàn bộ. Mỗi lần thất bại, anh lại mất vài chục triệu đồng, tuy nhiên anh học hỏi rất nhiều người, thất bại vụ này thì anh rút kinh nghiệm cho vụ tiếp theo. Sau một thời gian, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, anh hoàn thiện kỹ thuật chăm sóc hoa cúc cho vườn của mình.

Vườn hoa của anh Cường đã cho quả ngọt, cây hoa cúc phát triển rất tốt, bông hoa nở to và đẹp. Từ đó, anh đã đầu tư kinh phí mở rộng diện tích trồng hoa hướng đến việc kinh doanh, cung cấp cho thị trường.

Khi mọi thứ đã bắt đầu ổn định, thu nhập đang dần tăng thì năm 2021 hoa không tiêu thụ được do dịch bệnh COVID-19. Có thời điểm hoa phải đổ bỏ, nhưng anh vẫn cố gắng duy trì sản xuất để khi thị trường cần vẫn có hàng cung cấp. Đầu năm 2022, sau khi dịch bệnh được khống chế, anh thuê thêm 0,5 ha đất để dựng nhà kính, tiếp tục nâng tổng diện tích trồng hoa cúc của mình lên gần 1,2 ha. Anh Cường cho biết, cúc là giống cây ngắn ngày, dễ chăm sóc, kháng bệnh tốt. Cùng với đó, chi phí giống thấp, giá bán ổn định, không tốn nhiều diện tích nên rất phù hợp để phát triển, đem lại lợi nhuận kinh tế. Anh hiện trồng chủ yếu 3 loại hoa cúc là kim cương vàng, đại đóa và cúc chùm AT. Để thường xuyên có hoa bán, anh trồng gối vụ, tháng nào cũng xuống giống mới. Với giá bán 2.500 đồng/cây cúc trở lên, mỗi sào (1.000 m2) hoa cúc mang lại cho anh Cường thu nhập hàng trăm triệu đồng. Mỗi năm, anh thu trên 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí thu về khoảng 500 triệu đồng lợi nhuận.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Cường còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp cây giống, giúp đỡ thanh niên tại thị trấn phát triển nghề trồng hoa. Thị trường tiêu thụ hoa hiện nay rất lớn, số lượng hoa xuất bán cả trong và ngoài tỉnh như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… Anh Cường sẵn sàng liên kết, hỗ trợ kỹ thuật, giống và bao tiêu sản phẩm cho nhà nông trên địa bàn.

Anh Lê Hồng Công, Tổ trưởng Tổ hợp tác Thanh niên phát triển kinh tế thị trấn Nam Ban cho biết, anh Cường là một trong những người đầu tiên đem hoa cúc trồng trong nhà kính về thị trấn Nam Ban, đây là mô hình tiêu biểu đem lại hiệu quả cao. Thực tế, cây hoa cúc rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, so với trồng các loại cây công nghiệp thì cây hoa cúc đem lại hiệu quả gấp từ 3 - 4 lần. Những năm gần đây, người dân thị trấn Nam Ban đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là thanh niên với tư duy đổi mới trong sản xuất, họ phát triển hoa trong nhà kính, qua đó không chỉ có cuộc sống ổn định mà còn vươn lên làm giàu, có những hộ đã đạt thu nhập mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, Tổ hợp tác Thanh niên phát triển kinh tế thị trấn Nam Ban đang tiếp tục vận động thành viên sản xuất theo hướng công nghệ cao.

HOÀNG YÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202210/hoa-cuc-khoe-sac-tai-nam-ban-3139217/