Hóa đơn điện tử với hộ kinh doanh cá thể: Bài toán chuyển đổi và lời giải công nghệ
Việc triển khai hóa đơn điện tử đến nhóm hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương nhỏ lẻ đang mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý thuế. Trao đổi với Tạp chí Kinh tế – Tài chính, ông Lê Hồng Quang – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA chia sẻ về những nền tảng thuận lợi, các khó khăn đặc thù trong quá trình triển khai, cũng như giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ hiệu quả cho hộ kinh doanh dễ dàng chuyển đổi, tiếp cận và tuân thủ quy định mới.

Ông Lê Hồng Quang – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA
Phóng viên: Trong quá trình đồng hành cùng ngành Thuế thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là hộ kinh doanh triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, ông đánh giá như thế nào về tác động của các giải pháp công nghệ đối với công tác quản lý thuế hiện nay?
Ông Lê Hồng Quang: Có thể nói, giải pháp công nghệ đã có những tác động tích cực đối với công tác quản lý thuế hiện nay. Trước hết, việc áp dụng hóa đơn điện tử đã giúp cơ quan thuế nâng cao hiệu quả giám sát, minh bạch hóa hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là khối hộ kinh doanh – đối tượng vốn trước đây còn khó khăn trong quản lý do đặc thù hoạt động linh hoạt và phân tán.
Với hệ thống hóa đơn điện tử được kết nối trực tiếp với Cục Thuế, mọi giao dịch bán hàng của hộ kinh doanh đều được ghi nhận minh bạch, tạo cơ sở dữ liệu đồng bộ và có tính xác thực cao cho cơ quan quản lý.
Thứ hai, các giải pháp công nghệ đã góp phần quan trọng trong việc giảm tải thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế. Chẳng hạn, phần mềm MISA eShop dành cho hộ kinh doanh của MISA tích hợp sẵn tính lên đơn hàng bằng giọng nói, kê khai thuế và kết nối trực tiếp với hệ thống của Cục Thuế, giúp hộ kinh doanh phát hành hóa đơn chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại hoặc máy tính bảng.
Việc triển khai rộng rãi các giải pháp số cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng một hệ sinh thái quản lý thuế hiện đại, dữ liệu được cập nhật theo thời gian thực, phục vụ hiệu quả công tác phân tích, dự báo và hoạch định chính sách thuế phù hợp với thực tiễn.
Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp công nghệ và cơ quan Thuế không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp và hộ kinh doanh – một thành phần quan trọng của nền kinh tế.
Phóng viên: Việc mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử đến các hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương nhỏ lẻ – nhóm đối tượng trước đây chủ yếu nộp thuế khoán – được xem là một bước đi mạnh mẽ. Theo ông, đâu là nền tảng thuận lợi cho việc triển khai?
Ông Lê Hồng Quang: Việc triển khai hóa đơn điện tử cho hộ kinh doanh cá thể nhận được nhiều thuận lợi nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của ngành Thuế – từ tuyên truyền, tập huấn đến hỗ trợ kỹ thuật và phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ để đưa ra giải pháp công nghệ phù hợp, dễ dùng, chi phí hợp lý.
Hành lang pháp lý cũng đã hoàn thiện với Nghị định 70/2025/NĐ-CP, tạo cơ sở vững chắc cho việc triển khai thống nhất trên toàn quốc. Đồng thời, các doanh nghiệp công nghệ như MISA đã phát triển phần mềm chuyên biệt cho hộ kinh doanh nhỏ, hỗ trợ cả trên điện thoại thông minh, tích hợp AI để thao tác bằng giọng nói, giúp việc sử dụng trở nên đơn giản và thuận tiện hơn.
Hạ tầng công nghệ như smartphone, kết nối Internet, 4G/5G ngày càng phổ biến cũng tạo điều kiện cho hộ kinh doanh tiếp cận hóa đơn điện tử mà không cần đầu tư thiết bị đắt tiền. Đáng mừng là nhận thức của nhiều hộ kinh doanh cũng đã thay đổi tích cực, thấy rõ lợi ích về quản lý, tài chính và phát triển hoạt động kinh doanh khi sử dụng hóa đơn điện tử.
Phóng viên: Thưa ông, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, việc triển khai hóa đơn điện tử đối với hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương nhỏ lẻ chắc chắn cũng gặp không ít khó khăn. Từ thực tiễn triển khai, ông có thể chia sẻ cụ thể những vướng mắc, trở ngại nổi bật nhất hiện nay là gì?
Ông Lê Hồng Quang: Việc mở rộng hóa đơn điện tử đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ là một bước tiến lớn trong cải cách quản lý thuế, nhưng quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn do đặc thù của nhóm đối tượng này. Phần lớn các hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, nhiều chủ hộ lớn tuổi, chưa quen sử dụng thiết bị công nghệ, thậm chí có người chưa từng thao tác trên máy tính. Việc sử dụng phần mềm để tạo hóa đơn vì thế trở thành rào cản lớn ban đầu.
Không ít tiểu thương, nhất là ở các chợ truyền thống, vẫn giữ thói quen ghi chép bằng tay và có tâm lý e ngại khi phải thay đổi cách làm quen thuộc. Bên cạnh đó, việc phải sử dụng đồng thời nhiều phần mềm như bán hàng, hóa đơn, chữ ký số… khiến quá trình thực hiện trở nên phức tạp, dễ gây nhầm lẫn, nhất là với những người không thành thạo công nghệ.
Ngoài ra, hạn chế về chi phí đầu tư thiết bị cũng là một vấn đề lớn. Nhiều hộ không có khả năng mua máy tính, máy POS hoặc phần mềm bán hàng chuyên dụng. Đ
iều này đòi hỏi các giải pháp công nghệ triển khai phải đơn giản, tích hợp, chi phí thấp và phù hợp với điều kiện thực tế của các hộ kinh doanh siêu nhỏ, tiểu thương tại chợ truyền thống, khu vực nông thôn.
Phóng viên: Là đơn vị phát triển phần mềm kế toán – thuế dành cho hộ kinh doanh, MISA đã có những giải pháp hoặc hỗ trợ nào nhằm giúp các hộ kinh doanh dễ dàng tiếp cận, sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hình thức nộp thuế khoán truyền thống?
Ông Lê Hồng Quang: Nhận thấy những khó khăn của hộ kinh doanh, MISA đã phát triển giải pháp MISA eShop – phần mềm tích hợp bán hàng, xuất hóa đơn điện tử và kê khai thuế trên cùng một nền tảng. Chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, chủ hộ có thể phát hành hóa đơn mà không cần đầu tư thiết bị đắt tiền.
Điểm nổi bật là phần mềm tích hợp công nghệ AI, cho phép nhập đơn bằng giọng nói, nhận diện thu – chi, quản lý tồn kho và tự động tổng hợp doanh thu, tạo tờ khai thuế đúng quy định. Giao diện thân thiện, dễ dùng, phù hợp cả với người lớn tuổi hoặc ít tiếp xúc công nghệ.
Chi phí sử dụng chỉ từ 100.000 đồng/tháng, phù hợp với khả năng tài chính của hộ kinh doanh nhỏ. MISA cũng triển khai hệ thống hỗ trợ đa kênh: qua tài liệu, trợ lý số, cử cán bộ hỗ trợ trực tiếp và mạng lưới gần 4.000 đối tác kế toán – thuế trên cả nước để hướng dẫn tận nơi khi cần.