Hoa gạo nở đỏ miền tâm linh!

Ở các làng quê xưa thường trồng cả hai loại hoa gạo tẻ bông to, màu đỏ phơn phớt vàng, cánh thẳng. Hoa gạo nếp bông nhỏ, đỏ tươi, cánh cong ưỡn về phía đài hoa. Hoa gạo là một tín hiệu thẩm mỹ cho nhịp đi của mùa màng thôn quê: 'Bao giờ đom đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng'.

Sách "Thiền uyển tập anh" kể, khi biết Cao Biền dùng phép thuật "cắt đứt long mạch" ở sông Điềm, Thiền sư La Quý (tu ở chùa Song Lâm), trước khi mất (936) dặn đệ tử về âm mưu thâm hiểm của tên giặc cáo già tìm cách "trấn yểm" không cho đất Cổ Pháp "phát vương". Dặn rằng: "Ở chùa Châu Minh ta đã trồng một cây bông gạo... Sau khi ta tịch, con khéo đắp một ngọn tháp bằng đất, dùng phép, yểm dấu trong đó...". Sư tịch, thọ tám mươi lăm tuổi, nhằm niên hiệu Thanh Thái thứ ba nhà Hậu Đường (936).

Vẫn trong "Thiền uyển tập anh", trước khi mất Thiền sư La Quý có làm một bài kệ: "Đại sơn long đầu khỉ/ Cù vĩ ẩn Châu Minh/ Thập bát tử định thiền/ Miên thọ hiện long hình/ Thổ kê thử nguyệt nội/ Định kiên nhật xuất thanh" (Đại sơn đầu rồng ngửng/ Đuôi Cù ẩn Châu Minh/ Thập bát tử định thành/ Bông gạo hiện long hình/ Thỏ gà trong tháng chuột/ Nhất định thấy trời lên). Theo chiết tự chữ Hán, ba chữ "thập", "bát", "tử" (thập bát tử) kết hợp với nhau tạo thành chữ "lý" (chỉ họ Lý). "Thỏ gà trong tháng chuột" ý nói có vị vua lên ngôi vào tháng Chuột (tháng 11) năm gà (tức năm Dậu 1009). Hoàn toàn đúng với việc vị vua họ Lý lên ngôi vua vào tháng 11 năm 1009, tức vua Lý Công Uẩn.

Hoa gạo.

Hoa gạo.

Một số sách khác cũng chép Thiền sư La Quý có công lớn khi tự tay trồng cây gạo (mộc miên) để trấn chỗ "long mạch" bị cắt đứt. Sách "Đại Việt sử ký" còn cụ thể hơn, chép rằng nhờ cây gạo Thiền sư trồng trước chùa Minh Châu đã nối lại "long mạch" để có phong thủy tốt, tạo cảnh quan đẹp, khơi mở dương khí, ngăn trừ tà khí. Như vậy phải chăng câu chuyện cũng là một minh họa cho câu: "Thần cây đa, ma cây gạo". "Ma" ở đây hiểu theo nghĩa rộng, còn là "thần thánh"?

Là loài cây sống vùng nhiệt đới, thân gỗ, dáng thẳng, cao khoảng 15 - 20 m, vỏ lớp ngoài sần sùi, màu xám nâu có gai bảo vệ, mùa đông lá rụng. Xuân đến hoa đỏ 5 cánh, đài dày ôm khít cánh hoa rực rỡ. Quả nhỏ chứa các sợi như sợi bông. Tán cây xòe từng tầng tạo bóng mát thường được trồng bên mái chùa, đình làng, đường cái quan… Ở các làng quê xưa thường trồng cả hai loại hoa gạo tẻ bông to, màu đỏ phơn phớt vàng, cánh thẳng. Hoa gạo nếp bông nhỏ, đỏ tươi, cánh cong ưỡn về phía đài hoa. Hoa gạo là một tín hiệu thẩm mỹ cho nhịp đi của mùa màng thôn quê: "Bao giờ đom đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng".

Có tên gọi khác là mộc miên hoặc hồng miên, nhiều thuyết nói nguồn gốc Ấn Độ nhưng tìm trong kho tàng văn hóa xứ Ấn, hình tượng cây gạo không có gì đặc sắc so với nhiều cây khác. Ngày nay, cây được trồng nhiều ở Indonesia, Trung Quốc, Đài Loan... Ở nước ta, cây hầu như có ở mọi làng quê, thân thuộc như cây đa, giếng nước, sân đình…, mang tính biểu tượng cho đời sống tinh thần, đặc biệt là đời sống tâm linh. Chung quanh hình tượng được thêu dệt nhiều truyền thuyết, tục ngữ, ca dao. Nhiều đến mức, hầu như vùng nào cũng có truyền thuyết riêng, phần nhiều mang tính "liêu trai", rùng rợn. Đến nỗi, ngày xưa, ở làng quê trẻ con rất sợ một mình đi qua cây gạo, bởi cứ bị ám ảnh những câu chuyện của người lớn về ma đói, về ma cô gái treo cổ tự vẫn vì thất tình… Nhưng có hai môtip với cái lõi là "mẫu số chung".

Một nói về tình yêu, kể rằng, hoa gạo là hóa thân của một người con gái chờ đợi người yêu. Ở bản nọ có chàng trai nghèo tốt bụng khỏe mạnh, yêu cô sơn nữ duyên dáng, xinh đẹp. Đám cưới đã chuẩn bị chu đáo thì trời mưa, cơn lũ lớn cuốn phăng tất cả. Dân bản bàn nhau trồng cây nêu để chàng trai lên trời hỏi cho rõ sự tình. Ngày đi, chàng buộc vào tay người yêu băng vải đỏ, mỗi đầu có tua năm cánh, hẹn ngày trở về. Lên trời, Ngọc Hoàng bèn giữ chàng trai lại làm Thần mưa. Dưới trần gian cô gái cứ khắc khoải chờ…

Hầu như các truyện đều giữ cái lõi "cây nêu", tức cây gạo - một biến thể của "cây nêu" gắn liền với tích người chống lại quỷ. Ngày xưa quỷ chiếm hết đất đai của người. Được Phật mách, người trồng cây tre, Phật hóa phép cho cây tre cao lên tận trời, chiếc áo cà sa trên ngọn cây mở ra che khắp mặt đất đuổi quỷ ra biển. Nhưng quỷ vẫn lăm le chiếm lại. Từ đó người dân dựng cây nêu trước nhà để ma quỷ không quấy nhiễu. Chiểu theo ý này, thì cây gạo có chức năng đuổi đi điều dữ (ma quỷ), đem lại điều may.

Xét về nội dung câu chuyện, cây gạo là biểu tượng cho tình yêu không thành. Hoa gạo cứ tức tưởi rụng mà vẫn không đổi màu đỏ tươi, như tấm lòng cô gái nọ đau đáu chờ đợi… Phải chăng từ ý này mà huyền thoại hay ly kỳ kể có những hồn ma cô gái tự vẫn do bị phụ bạc, đành lấy gốc gạo làm "nhà"… Thương tình, dân gian lập bát hương… Ngày xưa chưa có điện, ngày rằm mồng một, ban đêm, tối trời từ xa nhìn về gốc gạo cứ thấy những đốm lửa đỏ bập bùng, nhảy nhót... Có cho kẹo, trẻ con cũng không dám qua!

Loại truyện thứ hai nói về tinh thần giữ nước. Kể rằng có người họa sĩ tài năng vẽ rất đúng những hình ảnh mà người khác nghĩ tới. Chuyện tới tai vua, vua thử ba người đóng giả mình, anh đều vẽ đúng suy nghĩ người đó. Đến lượt vua, anh vẽ ngôi đền đỏ... Quý mến một tài năng, vua gả con gái cho họa sĩ và truyền xây dựng ngôi đền. Giặc giã tràn sang phá tan ngôi đền, nhưng từ nền cũ mọc lên một cây cao, to, rất thẳng, hoa nở đỏ rực cả góc trời. Người dân gọi là cây gạo. Quân giặc nhìn thấy rụng rời. Quân ta nhìn thấy như tiếp thêm sức mạnh. Giặc rút. Những cây gạo trở thành cột mốc biên cương giữ bình yên Tổ quốc…

Thực chất, truyện này do nhà thơ Phạm Hổ viết, đi vào đời sống, phù hợp với tâm thức cộng đồng, được "dân gian hóa" thành cổ tích. Tại sao lại là "ngôi đền đỏ"? Vì vua nghĩ đến cần có ngôi đền xứng đáng để tôn thờ những anh hùng xả thân chống giặc. Đây là ông vua tốt, thấu hiểu lòng người, thấu cảm tình người, có trách nhiệm cao với đất nước, có đạo lý biết ơn… Hiểu theo nội dung này, cây gạo là biến thể của ngôi đền thờ anh linh những người có công với nước. Ai đã từng lên biên giới phía Bắc sẽ thấy những hàng mộc miên tháng ba đỏ rực, càng thấy dân gian gửi gắm ý nghĩa sâu sắc biết bao: đó là những hàng cột mốc - những anh linh vì Tổ quốc. Càng thương nước nhiều giặc giã, càng cảm phục tâm hồn vị tha người Việt!

Thời Pháp, Văn Miếu được gọi là "đền quạ" (Le temple des corbeaux). Vì trên những cây gạo ở đó có nhiều quạ làm tổ. Thực ra, ở mọi nơi, quạ đều thích làm tổ trên cây gạo. Gốc gạo có nhiều vấu to nổi thành u, tạo nhiều hốc, gợi về những điều bí hiểm. Cho rằng đó là nơi hồn ma trú ngụ, người lập bát hương. Nhá nhem tối, trên cây, quạ hoang hoải kêu, dưới gốc, hương bập bùng, thấp thoáng đỏ… Đã thế còn được trồng ở gần đền chùa. Có cây ở giữa đồng, gần nghĩa trang…

Cây gạo đồng quê.

Cây gạo đồng quê.

Ở Tây Nguyên, có nơi có hủ tục cô gái nào ngoại tình sẽ bị trói vào cây pơ lang (cây gạo), bị đánh roi, để gai gạo đâm vào thịt da, cơ bản hơn, để báo cáo với ma (dưới đất), với Giàng (trên trời). Ở lễ đâm trâu, ngoài việc chôn cây nêu - cây thế giới nối trần gian với thiên giới, còn trồng một cây gạo… Linh hồn ma trâu sẽ theo cây gạo lên báo với Giàng... Với người Kinh, câu "Thần cây đa, ma cây gạo", "ma" ở đây còn là ma đói, tức các cô hồn chết đói chết khát không được thờ cúng nên thường tìm đến mong kiếm miếng ăn. Vì cây gạo đồng âm với từ "gạo"… Thật sâu thẳm một tinh thần nhân văn đáng quý!

Thân to, gỗ mềm, nên thường dùng cho nghề khắc dấu, khắc tranh gỗ, bền, nét và mịn. Đóng góp chủ yếu về phương diện văn hóa tinh thần, cây gạo đi vào văn chương nghệ thuật nở ra những bông gạo đỏ rực xao xuyến, như những câu thơ gan ruột của Đoàn Thị Tảo: "Thế là chị ơi/ Rụng bông gạo đỏ/ Ô hay, trời không nín gió/ Cho ngày chị sinh" (Cho một ngày sinh); hay hiên ngang trầm hùng mang âm hưởng bi ca trong thơ Nguyễn Linh Khiếu: "có ai trồng mộc miên biên giới/ hay biên cương cây tìm đến mọc lên/ hoa cứ máu tươi suốt ngàn năm tê tái/ cây cứ sừng sững mướt xanh cột mốc biên cương" (Hoa mộc miên biên giới)…

Vùng đất thơ mộng tả ngạn sông Lam (Tam Sơn - Anh Sơn - Nghệ An) đã từng tổ chức Lễ hội Hoa gạo. Hình sông thế núi hữu tình. Cữ giữa xuân, hàng chục, hàng trăm cây gạo cổ thụ nở hoa rực rỡ cả khoảng trời thanh bình, yên ả. Sắc đỏ đến nôn nao, khắc khoải. Lòng người xôn xao chộn rộn: "Em như hoa gạo trên cây/ Anh như một đám cỏ may bên đường/ Lạy giời cho cả gió sương/ Hoa gạo rụng xuống, lại luồn cỏ may" (Ca dao)…!!!

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/hoa-gao-no-do-mien-tam-linh--i763268/