Hóa giải cơn 'khát' nước sạch - Bài 2: 'Sứ mệnh' của các nhà máy nước mini
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) TP Hải Phòng, hiện còn 15 nhà máy mini chưa đảm bảo chất lượng, phải thực hiện xử lý, thay thế ngay để cung ứng nước sạch cho người dân.
“Nút thắt” quy hoạch
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ, các nhà máy nước nông thôn được hình thành theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2015. Tại thời điểm xây dựng, toàn bộ các nhà máy đều có công suất nhỏ dưới 500m3/ngày đêm. Công nghệ xử lý nước của các nhà máy nước ban đầu chỉ đảm bảo chất lượng nước thành phẩm đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt thông thường, không sử dụng cho mục đích ăn uống trực tiếp hoặc dùng chế biến thực phẩm tại các cơ sở chế biến. Giai đoạn này, chất lượng nguồn nước của các nhà máy nước mini cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Trước đây, việc lựa chọn vị trí xây dựng nhà máy và dự báo diễn biến chất lượng nguồn nước thô không được quan tâm đầy đủ. Một số nhà máy được xây dựng sát các khu dân cư, một số nhà máy khai thác nước từ các tuyến kênh nội đồng vừa cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vừa tiếp nhận nước thải từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Hiện nay, việc cấp nước cho mục đích sinh hoạt bao gồm cả khu vực nông thôn đều phải đảm bảo các thông số chất lượng nước theo Quy chuẩn mới là QCVN01- 1:2018 của Bộ Y tế và Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCĐP 02:2023/TPHP.
Ông Đoàn Văn Ban - Phó Chi cục Trưởng, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở NNPTNT Hải Phòng) cho biết: Nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng dịch vụ. Tính toán sơ bộ cho thấy, người dân Hải Phòng hiện đang dùng khoảng 80 lít/người/ngày nhưng sau năm 2025, nhu cầu dự kiến là 150-180 lít/người/ngày. Do đó, nhiều nhà máy nước sẽ không đáp ứng được yêu cầu, buộc phải cải tạo, nâng cấp. Tuy nhiên, những nhà máy nước được nâng cấp, cải tạo phải nằm trong quy hoạch được phê duyệt của thành phố”.
Điều này dẫn đến thực trạng, một số nhà máy nước đã nâng cấp quy mô lớn, thay đổi công nghệ, nguồn nước thô khai thác từ các tuyến sông được bảo vệ sẽ đảm bảo chất lượng. Còn lại, một số nhà máy nước vẫn sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, không thể đáp ứng yêu cầu của người dân nông thôn.
Cần sớm thay thế 15 nhà máy
Ngoài vấn đề quy hoạch, ông Ban cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến một số nhà máy nước có chất lượng nước không đạt chuẩn xuất phát từ quy mô, công nghệ của các nhà máy và chất lượng nguồn nước thô.
Vận hành trong thời gian dài, quy mô công suất của nhiều nhà máy hình thành từ 10 - 20 năm trước khá nhỏ. Hệ thống hạ tầng xử lý và phân phối nước đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Một số nhà máy đã rút ngắn thời gian xử lý để đáp ứng yêu cầu về số lượng, dẫn đến chất lượng không đảm bảo.
Ngoài ra, chất lượng nguồn nước thô không đảm bảo, một số thông số vượt ngưỡng cho phép cũng khiến chất lượng nước máy không đạt yêu cầu. Chất lượng nước trong các tuyến sông trục chính cấp nước ngọt có sự thay đổi rõ rệt theo mùa. Mùa mưa từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 11 hàng năm, nguồn nước tại các công trình thủy lợi có các thông số cơ bản đạt chuẩn để cấp nước cho sản xuất nước sạch theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt số 08/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Mùa khô, nguồn nước khan hiếm, tình trạng nước biển dâng, nước mặn xâm nhập sâu vào các vùng cửa sông khu vực Hải Phòng. Các hệ thống thủy lợi đều khó khăn trong việc khai thác nước ngọt bổ sung và thay thế nguồn nước bị ô nhiễm. Điều này dẫn đến tình trạng nguồn nước tại một số khu vực, đặc biệt là các xã phía Nam huyện Tiên Lãng, các xã ven biển huyện Kiến Thụy, có nguy cơ bị nhiễm mặn. Một số khu vực không thể thay nước thường xuyên làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm đối với các thông số như: Nitơ, mangan, coliform vượt ngưỡng cho phép. Trong khi đó, hầu hết công nghệ xử lý nước của các nhà máy đều không có khả năng xử lý nước bị nhiễm mặn.
Theo đánh giá chung của Sở NNPTNT Hải Phòng, các nhà máy nước mini đã hoàn thành “sứ mệnh” về việc cấp nước hợp vệ sinh cho nhân dân vùng nông thôn trong suốt thời gian qua. Qua rà soát, đến nay, Hải Phòng xác định có 15 nhà máy mini chưa đảm bảo chất lượng, phải thay thế ngay để cung ứng nước sạch cho người dân.
Ông Đỗ Văn Tưởng - chủ nhà máy nước Ngũ Đoan 1 (huyện Kiến Thụy) cho biết: Từ năm 2003, nhà máy đã cấp cho 150 hộ dân ở thôn Đồng Dồi, xã Ngũ Đoan sử dụng, thời kỳ cao điểm lên tới 250 hộ sử dụng. Sau 20 năm, nhà máy xuống cấp. Giá nước rẻ chỉ 7.000 đồng/khối cộng với việc phải thay, sửa đường ống nước thường xuyên đã khiến cho việc kinh doanh không có lãi. Do đó, nhà máy chấp thuận dừng hoạt động từ ngày 10/12/2023 theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng.
Nhà máy nước Ngũ Đoan 1 là một trong số 14 nhà máy nước đã thống nhất phương án thay thế của TP Hải Phòng. Đến nay, 7/15 nhà máy cơ bản hoàn thành việc thay thế nguồn cấp nước; 7/15 nhà máy đang triển khai thực hiện. Còn 1 đơn vị chưa chấp thuận phương án dừng hoạt động là nhà máy Quốc Tuấn II của hộ bà Nguyễn Thị Hồng (huyện An Lão).
Liên quan đến vấn đề này, tại nhiều cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng khẳng định, thành phố sẽ kiên quyết xử lý, thay thế nhà máy nước mini tại các huyện không đáp ứng năng lực, không bảo đảm chất lượng, từng bước cung ứng nước sạch cho người dân nông thôn.
Hàng năm, các tuyến sông chính, kênh chính cung cấp khoảng 100 triệu m3 nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch của Hải Phòng bao gồm: Sông Giá và kênh Hòn Ngọc thuộc hệ thống thủy lợi Thủy Nguyên; Sông Rế thuộc hệ thống thủy lợi An Hải; Sông Đa Độ thuộc hệ thống thủy lợi Đa Độ; Kênh trục I thuộc hệ thống thủy lợi Tiên Lãng; Kênh Chanh Dương thuộc hệ thống thủy lợi Vĩnh Bảo.
(Còn nữa)