Hóa giải lo ngại trong việc phát triển công trình xanh

Hiện Việt Nam ghi nhận hơn 300 công trình xanh và con số tăng thêm lên từng năm cho thấy cơ chế, chính sách trong việc khuyến khích phát triển loại hình công trình này đã phát huy tác dụng.

Hội thảo “Chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng”. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN.

Hội thảo “Chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng”. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN.

Mặc dù số công trình xanh ở Việt Nam hàng năm đều tăng nhưng con số chưa đạt như kỳ vọng. Hội thảo “Chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng” do Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp cùng Công ty TNHH Edeec, Doanh nghiệp xã hội Công trình bền vững Việt Nam và Sen Vàng Group tổ chức nhằm đưa ra các giải pháp tổng thể để hóa giải lo ngại của chủ đầu tư trong việc phát triển loại công trình này.

Tiến sỹ Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng cho biết, trong những năm gần đây, các cơ chế, chính sách về công trình xanh đã được ban hành khá đầy đủ. Gần đây nhất, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD về tiết kiệm hiệu quả năng lượng tòa nhà…

Chính vì vậy, số lượng công trình xanh tại Việt Nam qua mỗi năm đã ghi nhận chiều hướng tăng. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam có khoảng hơn 200 công trình xanh, sang năm 2023, Việt Nam ghi nhận hơn 300 công trình xanh. Số công trình xanh năm sau đã cao hơn năm trước cho thấy các cơ chế, chính sách trong việc khuyến khích phát triển công trình xanh đã bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Thành, hiện không ít doanh nghiệp phân vân việc đầu tư phát triển các công trình xanh do lo ngại về chi phí tăng cao, việc tìm kiếm các vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng khó khăn và thiếu nguồn nhân lực am hiểu để phát triển. Vì vậy, để công trình xanh tại Việt Nam được đẩy mạnh về số lượng, cũng như đảm bảo về chất lượng, cần tìm giải pháp hóa giải các lo ngại này.

Các chuyên gia cho rằng, chủ đầu tư nên nắm rõ việc sử dụng các vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN.

Các chuyên gia cho rằng, chủ đầu tư nên nắm rõ việc sử dụng các vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN.

Tại hội thảo, ông Trần Thành Vũ - Giám đốc Công ty TNHH Edeec chia sẻ, chi phí đầu tư công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng luôn luôn là câu hỏi đầu tiên của các nhà đầu tư khi có ý định thực hiện các sản phẩm bất động sản bền vững, thân thiện môi trường. Điều này cho thấy, chi phí đầu tư đang là một trong những yếu tố gây cản trở đến việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam hiện nay. Nhiều năm nay, chi phí đầu tư cho các dạng công trình này sẽ phải tăng lên và phần tăng này được bù đắp trong quá trình vận hành. Song đây là cách hiểu có phần rập khuôn từ các nước phát triển.

“Việc xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng không thực sự làm tăng chi phí đầu tư nếu các chủ đầu tư biết sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp, lựa chọn phương án tài chính hợp lý và đặc biệt là biết sử dụng mô hình dự báo vận hành công trình đúng cách, tiến tới thực hiện Net Zero Energy” - ông Vũ bày tỏ.

Về giải pháp tổng thể trong việc hóa giải lo ngại về phát triển công trình xanh tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, chủ đầu tư nên nắm rõ việc sử dụng các vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng cùng với đó là hướng tới thực hiện Net Zero Energy nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư, chi phí vận hành.

Đề cập đến vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, ông Tạ Đắc Quý, chuyên gia Viện Vật liệu xây dựng nhận xét, tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động trong những năm gần đây khiến nhiều ngành nghề đang có xu hướng tìm đến sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, trong đó có ngành vật liệu xây dựng. Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng vật liệu cách nhiệt – vật liệu xanh đang ngày càng được quan tâm và sử dụng rộng rãi vì những lợi ích mà vật liệu này mang lại.

Đây cũng là yêu cầu cần thiết trong phát triển công trình xanh. Điều này sẽ giúp chất lượng các công trình xanh đảm bảo, đáp ứng được nhiều yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng và đặc biệt là tiết kiệm được chi phí đầu tư, vận hành - ông Quý phân tích.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Trần Quốc Khánh, đại diện Công ty Kính nổi Viglacera cho biết, nắm bắt xu hướng phát triển công trình xanh trong giai đoạn gần đây, Viglacera đã quyết tâm nghiên cứu và đưa ra thị trường các sản phẩm công nghệ xanh, kính tiết kiệm năng lượng để phục vụ các công trình xanh hiện đại. Khả năng kiểm soát tốt năng lượng từ bức xạ mặt trời truyền vào nhà đã góp phần tiết kiệm năng lượng tiêu thụ của hệ thống điều hòa không khí lên đến 69%. Ngoài ra, kính còn có khả năng ngăn đến 99% tia UV, tạo ra không gian sống thoải mái và bảo vệ sức khỏe người sử dụng…

Như vậy, khi sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng nói chung và kính tiết kiệm năng lượng nói riêng, các công trình sẽ tiết kiệm được lượng lớn các năng lượng tiêu thụ. Điều này cũng có nghĩa, chi phí đầu tư và chi phí vận hành sẽ giảm đi đáng kể. Khi đó, lo ngại về chi phí tăng cao trong việc phát triển công trình xanh sẽ được hóa giải.

SBVN sẽ hỗ trợ miễn phí kỹ thuật cho 1 dự án, để dự án đó có thể trở thành Tòa nhà cân bằng năng lượng đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN.

SBVN sẽ hỗ trợ miễn phí kỹ thuật cho 1 dự án, để dự án đó có thể trở thành Tòa nhà cân bằng năng lượng đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN.

Bà Lê Phương Anh - Giám đốc chương trình Sustainable Building Vietnam (SBVN) - Công trình bền vững Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2023 - 2025, SBVN sẽ hỗ trợ miễn phí kỹ thuật cho 1 dự án, để dự án đó có thể trở thành Tòa nhà cân bằng năng lượng (Zero Energy Building) đầu tiên tại Việt Nam.

Là doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu công trình xanh, bà Nguyễn Bích Ngọc – Giám đốc Sen Vàng Group cho rằng, chỉ có cây xanh thì không phải là công trình xanh mà công trình xanh là phải xanh từ vật liệu, xanh từ không gian sống, xanh từ năng lượng, vận hành… Vì vậy, cần phân biệt rõ chứng chỉ xanh và công trình xanh. Bởi chứng chỉ xanh không phải là tất cả.

Theo bà Ngọc, thông thường các công trình xanh hiện nay chỉ góp mặt ở khâu thiết kế. Tuy nhiên, để là một công trình xanh đúng nghĩa, Chủ đầu tư cần xây dựng chiến lược xanh bền vững, thể hiện rõ từ khâu đầu cho đến khâu cuối trong quy trình phát triển dự án của mình. Cụ thể là từ khâu tìm kiếm đất, phát triển sản phẩm, triển khai sản xuất, triển khai bán hàng, vận hành quản lý sau bán hàng cho đến khâu cuối cùng là quản lý sản phẩm khi đi vào sử dụng./.

Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hoa-giai-lo-ngai-trong-viec-phat-trien-cong-trinh-xanh/312282.html