Hóa giải nỗi sợ sai: Kết hợp pháp trị và đức trị
'Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung' là chủ đề cuộc tọa đàm do báo Tiền Phong tổ chức ngày 26/4, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cuộc tọa đàm nhằm nhìn nhận, đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp thúc đẩy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Phát biểu đề dẫn, nhà báo Lê Minh Toản, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong, nói rằng, lâu nay có tình trạng cán bộ, công chức có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến né tránh, đùn đẩy công việc. Sự co cụm, sợ sai trong hoạt động công vụ dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Do vậy, việc tìm ra các giải pháp để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung là vấn đề cấp thiết đặt ra.
Theo TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm, không dám ký văn bản thường ở các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như đấu thầu, đầu tư, quản lý đất đai… Nguyên nhân do trình độ, năng lực yếu kém, lại lo sợ trách nhiệm, dẫn tới tình trạng co cụm, làm cầm chừng. Đặc biệt, ở những nơi có cán bộ lãnh đạo vi phạm, vướng vòng lao lý, nỗi sợ càng lớn hơn.
“Có cán bộ khi được hỏi vì sao không dám làm, họ nói sợ sau này xảy ra sai phạm”, ông Tuấn cho hay. Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phủ nhận quan điểm tình trạng sợ sai đang là “bệnh truyền nhiễm”. Theo ông, sợ sai chỉ là tâm lý của một số bộ phận, còn đa số cán bộ, công chức vẫn làm việc bình thường.
“Cần nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Nếu thủ trưởng trong sạch, nêu gương tốt thì cấp dưới khó mà dám làm sai được”
PGS. TS Lê Văn Cường
Ở góc nhìn khác, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy, né tránh, không dám tham mưu, đề xuất, không dám quyết định ngày càng có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân trước tiên do pháp luật còn nhiều kẽ hở, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng.
“Từ một số trường hợp vướng vòng lao lý khiến cán bộ từ trì trệ đến đình trệ, từ giảm lửa đến tắt lửa, từ dấn thân đến phòng thân”. Ông Tiến cho rằng, những người dám nghĩ, dám làm chưa được trao “thượng phương bảo kiếm”. Từ đó dẫn đến thực trạng cấp dưới không dám tham mưu, còn cấp quyết định lại không dám quyết.
“Có quá nhiều quy định, rào cản dẫn đến cán bộ rất lúng túng, không biết phải xử lý thế nào, sờ đến công đoạn nào cũng có vấn đề khó, rất khó xử lý”
Ông Nguyễn Văn Đính
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản, dẫn con số thống kê, trên thị trường có trên 1.000 dự án đầu tư “đắp chiếu”, giá trị ước tính trên 30 tỷ USD. Đây là con số rất lớn, nếu được khơi thông sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế. “Có quá nhiều quy định, rào cản dẫn đến cán bộ rất lúng túng, không biết phải xử lý thế nào, sờ đến công đoạn nào cũng có vấn đề khó, rất khó xử lý… Chúng ta đang trong “rừng” quy định, nhiều quy định bổ sung, quy định sau khó hơn quy định trước dẫn đến cán bộ rất sợ”, ông Đính nhận định.
Từ thực tế tham gia tổ công tác của Chính phủ, ông Đính nêu một trường hợp tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Có doanh nghiệp đã xây dựng xong 7 tòa nhà ở xã hội phù hợp với chủ trương nhưng không bán được sản phẩm nào, vì doanh nghiệp được phê duyệt dự án nhà ở cho công nhân nhưng công nhân tại đây không có nhu cầu mua nhà, chỉ thuê nhà cho rẻ, vì đa số họ ở tỉnh ngoài, chỉ làm việc vài năm.
“Doanh nghiệp kiến nghị cho 10 nhóm đối tượng chính sách được mua để tránh tình trạng nhà xây xong đắp chiếu, nhưng chính quyền địa phương không dám phê duyệt”. Ông Đính cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đang “thoi thóp thở” và nếu không tháo gỡ kịp thời, thì họ sẽ “ngạt thở”.
Không để “nay tưởng đúng, mai lại sai”
Nêu giải pháp “hóa giải nỗi sợ sai”, TS Trần Anh Tuấn nói, trước tiên cần căn cứ quyền hạn, chức trách để xử lý và phải cương quyết với hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, cần thống nhất nhận thức rằng, cán bộ, công chức nếu làm đúng thì không việc gì phải sợ; chỉ có những người làm sai mới sợ; chỉ những người không biết mình đúng hay sai, thiếu năng lực chuyên môn mới sợ.
Ngoài thay thế kịp thời những người không đủ năng lực, uy tín, phải sớm có quy định để khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Theo PGS. TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ hiện nay có thể phân ra theo ba cấp độ. Một là người tiên phong dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; hai là người làm sai, bị lộ hay chưa bị lộ; ba là người trung dung, với tư duy có làm có sai, không làm không sai, nên cầm chừng, “mũ ni che tai”. “Hiện nay sự dấn thân của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn yếu”, ông nói.
Để hóa giải nỗi “sợ sai”, theo ông Cường, cần kết hợp cả pháp trị và đức trị. Về pháp trị, cần lấp đầy khoảng trống pháp luật, bởi không có quy định pháp luật đầy đủ, rõ ràng thì hôm nay tưởng đúng mai lại sai, dễ đứng trước “vành móng ngựa”.
“Nhưng suy cho cùng vẫn là đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, đó là đức trị. Do đó, cần nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Nếu thủ trưởng trong sạch, nêu gương tốt thì cấp dưới khó mà dám làm sai được”, ông Cường nhận định.
Ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, cho rằng, cần mạnh dạn thay thế cán bộ yếu kém, đồng thời cải cách cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. “Cần phải dựa vào thành tích cụ thể, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân để làm tiêu chí đánh giá, bổ nhiệm. Bên cạnh đó, rất cần chính sách trọng dụng nhân tài, có cơ chế đãi ngộ xứng đáng và cho nhân tài không gian để phát triển”, ông Lược nói.
Ông Lê Như Tiến cho rằng, trong thực thi công vụ, vẫn có một số rủi ro, bởi pháp luật còn một số kẽ hở, chồng chéo khiến họ tưởng làm đúng nhưng thực tế lại thành sai. Theo ông, cần sớm đưa ra quy định về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, vì cái chung mà không tư lợi. Qua đó, cần sớm hoàn thiện thể chế, khắc phục chồng chéo trong các quy định pháp luật. Thậm chí, có thể xây dựng “quỹ bảo hiểm rủi ro”, giống như trong nghiên cứu khoa học, trong thám hiểm, để những người dám nghĩ, dám làm được bảo vệ, yên tâm dấn thân, yên tâm công tác.
Ở khía cạnh pháp lý, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, việc rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục sẽ tạo hiệu quả cao cho doanh nghiệp. “Nếu đúng quy trình có thể mất vài chục ngày, vài tháng nhưng có doanh nghiệp thậm chí mất 10 năm chưa xong. Đây là câu chuyện không phải không làm được nhưng chính quyền không quan tâm đến việc chúng tôi kiến nghị”, ông Đính nói.