Hòa giải ở cơ sở - nhịp cầu gắn kết cộng đồng dân cư

Để giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân, hạn chế đơn, thư khiếu nại, tố cáo (KNTC), các cấp ủy, chính quyền thành phố Phúc Yên quan tâm củng cố, kiện toàn, duy trì hoạt động hiệu quả các tổ hòa giải cơ sở. Qua đó, góp phần xây dựng khối đoàn kết cộng đồng bền vững.

Các thành viên Tổ hòa giải, TDP 1, phường Đồng Xuân gặp gỡ, tuyên truyền pháp luật cho người dân

Các thành viên Tổ hòa giải, TDP 1, phường Đồng Xuân gặp gỡ, tuyên truyền pháp luật cho người dân

Giải quyết thấu tình đạt lý

Quá trình xây dựng nhà ở, gia đình ông N.Đ.H, Tổ dân phố 1, phường Đồng Xuân để vật liệu ra ngoài đường, khi trời mưa bị tràn sang nhà bà N.T.L. Do đó, bà N.T.L yêu cầu ông N.Đ.H thu dọn, nhưng do có mâu thuẫn nên ông H không thực hiện. Hai bên có lời qua tiếng lại.

Nắm bắt được tình hình, các thành viên của tổ hòa giải đã xuống vận động và cùng 2 gia đình dọn dẹp vật liệu; đồng thời, gặp riêng từng người để giải thích, thuyết phục, phân tích đúng - sai, giúp họ hàn gắn, từ đó, mỗi người đều nhận ra cái sai của mình mà sửa đổi. Đây là 1 trong nhiều vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân được hòa giải kịp thời, thắt chặt tình đoàn kết trong khu dân cư.

Trước sự phát triển của đời sống KT-XH dẫn tới tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân liên quan đến đất đai, vi phạm trật tự xây dựng… trên địa bàn phường Đồng Xuân còn xảy ra, tiềm ẩn mất ANTT.

Để xây dựng khối đoàn kết cộng đồng, không ngại khó, va chạm, thành viên của 8 tổ hòa giải ở các tổ dân phố (TDP) tích cực vào cuộc, tìm cách hóa giải mâu thuẫn, xích mích của người dân. Nhờ vậy, nhiều năm qua, phường Đồng Xuân không có đơn, thư vượt cấp, đông người, tình hình ANTT luôn được bảo đảm.

Là người có kinh nghiệm, hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, ông Trần Kim Động, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ hòa giải, Trưởng Ban công tác mặt trận TDP 1, phường Đồng Xuân chia sẻ: Do hiểu biết pháp luật hạn chế, cái tôi lớn, không ai chịu nhường ai nên chỉ vì chuyện nhỏ nhặt phát sinh trong cuộc sống như tranh chấp đường đi, rãnh thoát nước, tiếng nhạc ồn… dẫn đến mâu thuẫn, xích mích xảy ra trong nhân dân.

Nếu không giải quyết tốt dẫn đến mâu thuẫn lớn, cãi vã, kiện tụng làm mất đoàn kết. Vì vậy, để hòa giải các mâu thuẫn, tổ hòa giải tìm hiểu nguyên nhân, sự việc; người hòa giải gương mẫu, uy tín, hiểu biết về pháp luật để tuyên truyền, giải thích có lý có tình, làm cho 2 bên nhận thấy đúng, sai, tự hòa giải.

Các thành viên ở các cụm dân cư nâng cao trách nhiệm, nắm chắc tình hình, phát hiện thắc mắc, mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh. Khi giải quyết mâu thuẫn, các thành viên trong tổ hòa giải bàn bạc, thống nhất cách giải quyết, đảm bảo khách quan, công tâm. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, Tổ hòa giải của TDP 1 đã hòa giải thành 100% vụ việc.

Nâng cao chất lượng hoạt động tổ hòa giải

Hiện, thành phố Phúc Yên có gần 120 tổ hòa giải với hơn 600 hòa giải viên (HGV). Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải cơ sở, hằng năm, Phòng Tư pháp thành phố tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ, nhân dân các văn bản pháp luật và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Phối hợp với cơ quan liên quan mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ HGV; xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác tư pháp ở các xã, phường, trong đó có công tác hòa giải.

Thông qua kiểm tra để nắm bắt tình hình và tổ chức hoạt động hòa giải ở cơ sở, những hạn chế, tồn tại để chỉ đạo, đề xuất giải pháp khắc phục kịp thời; biểu dương những đơn vị có tổ hòa giải làm tốt, cách làm hay, sáng tạo.

Các địa phương gắn hoạt động hòa giải ở cơ sở với phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố hoạt động hiệu quả, kịp thời hòa giải các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong nhân dân, số lượng vụ, việc hòa giải thành tăng cao.

Nhiều vụ tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình ở cơ sở đã được giải quyết, số vụ việc chuyển tòa án đã giảm hơn trước đây. Việc phổ biến các quy định pháp luật trong quá trình hòa giải cũng là giải pháp hữu hiệu để nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân, hạn chế được đơn, thư KNTC, góp phần giữ vững ANTT ở địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn hạn chế. Đó là: Một số xã, phường chưa quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác hòa giải; việc hỗ trợ kinh phí không được thực hiện thường xuyên dẫn đến hoạt động của một số tổ hòa giải và HGV chưa nhiệt tình.

Kỹ năng hòa giải cũng như kiến thức pháp luật của đa số HGV còn hạn chế; phạm vi hòa giải rộng, nhiều vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực nhạy cảm như quan hệ gia đình, đất đai nên HGV ngại va chạm.

Trưởng phòng Tư pháp thành phố Phúc Yên Ngô Đức Mạnh cho biết: Để công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục phát huy hiệu quả, các cấp ủy, chính quyền cần có sự quan tâm hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, thường xuyên củng cố, kiện toàn, đảm bảo kinh phí hoạt động cho các tổ hòa giải.

Các địa phương lựa chọn các HGV có phẩm chất đạo đức, uy tín, gương mẫu và hiểu biết pháp luật, lối sống, phong tục trong cộng đồng dân cư; tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở.

Phòng Tư pháp tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng, tập huấn, biên soạn và cung cấp tài liệu thiết thực, phù hợp cho HGV…

Bài, ảnh: Lê Thảo

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phap-luat/82804/hoa-giai-o-co-so---nhip-cau-gan-ket-cong-dong-dan-cu.html